Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp, đi dần vào chiều sâu, xác định rõ lợi thế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, bảo đảm quy mô và hiệu quả sản xuất.
Bước đầu, tỉnh quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn phát triển nông nghiệp nông thôn Hàn Quốc (KRC) hợp tác với Đồng Tháp về nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua chương trình hợp tác công – tư (PPP), quy mô dự án 28.000ha gồm 3 hợp phần: Cơ sở hạ tầng nông nghiệp; phát triển nông thôn và kinh doanh nông nghiệp; đào tạo và nâng cao năng lực.
Nhận thức về liên kết, hợp tác, thực hiện quy trình kỹ thuật, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm chuyển biến bước đầu trong một bộ phận nông dân, phương thức sản xuất nông nghiệp được đổi mới, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực. Thời gian qua, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình cánh đồng liên kết sản xuất, khép kín từ cung ứng vật tư - tiêu thụ nông sản - chế biến và xuất khẩu; cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nạc hóa, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, sạch bệnh.
Diện tích sản xuất lúa được tiêu thụ theo hợp đồng với doanh nghiệp ngày càng tăng và đang mở rộng sang các lĩnh vực nuôi trồng khác. Điển hình là cánh đồng liên kết đến tháng 9/2015 đạt hơn 68.000ha, tăng hơn 14.000ha so với năm 2013 và hơn tăng 65.000ha so với năm 2011; xây dựng được nhãn hiệu của một số sản phẩm chủ lực như: xoài Cao Lãnh, ớt trái Thanh Bình, cá tra giống Hồng Ngự, quýt hồng Lai Vung, khô cá lóc Tràm Chim.
Tỉnh tiếp tục phát huy những ưu thế, cơ hội, chuyển mạnh hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu nội ngành, tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường khác nhau; ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào cải tạo đồng ruộng, quản lý quy trình sản xuất, nâng chất lượng và giá trị sản phẩm, hạn chế tác động môi trường.
Rà soát, quy hoạch lại vùng chuyên canh, quản lý chất lượng vùng nuôi thủy sản, vùng chăn nuôi tập trung, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện. Khẩn trương triển khai chương trình giảm giá thành sản xuất với các giải pháp tổng thể (nâng cao chất lượng giống, áp dụng khoa học, công nghệ mới, tăng cường cơ giới hóa, giảm thất thoát, bảo quản sau thu hoạch,...). Phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản, từng bước hình thành các cụm công nghiệp - dịch vụ cho lúa gạo, cá tra và dịch vụ khoa học, công nghệ, hậu cần.
Phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; tiếp tục thúc đẩy phát triển, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác của nông dân; vận dụng các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp triển khai các cơ sở phục vụ sản xuất, đào tạo cán bộ, tăng năng lực quản trị, khả năng liên kết với doanh nghiệp, đa dạng hóa dịch vụ; tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ phát triển cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn, hình thành các làng nghề mới, các hợp tác xã nghề, tập trung vào chế biến sản phẩm địa phương. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin, tư vấn, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng); xây dựng Trung tâm nông sản; liên kết, hợp tác... gắn chặt quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Đồng Tháp