Tham dự lễ công bố có Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Bình Dương,…

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo sự kiện quan trọng này, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn phát triển Bình Dương và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh Bình Dương luôn có khát vọng cao, không ngừng nghỉ, không hài lòng với những gì đạt được và luôn muốn vượt qua chính mình. Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bình Dương được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. 

Đây là sản phẩm của sự kết tinh toàn diện - là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương; của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; Kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của kế thừa, đổi mới và phát triển. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng tin tưởng Quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Đánh giá về định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh 3 xây dựng của tỉnh là: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng với chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương thực hiện "3 tiên phong". Thứ nhất là tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh hóa, số hóa.

Thứ hai, tiên phong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, số hóa, xanh hóa kinh tế để phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, công nghệ cao, thông minh, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

“Để thực hiện quy hoạch, Bình Dương cần tập trung huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công - tư, nguồn lực bên trong và bên ngoài) và tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả; lưu ý yếu tố con người là quyết định”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tin tưởng quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng,...

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp.

Cũng tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng -  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết với quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mà mô hình phát triển của giai đoạn trước còn tồn tại, cũng như đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những khâu đột phá mới.

Đồng thời sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.

leftcenterrightdel
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhận định với quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mà mô hình phát triển của giai đoạn trước còn tồn tại.

Theo ông Dũng, quy hoạch lần này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; đồng thời Bình Dương đã đặt mình trong mối liên kết phát triển sâu rộng, có trách nhiệm với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Dịp này, UBND tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu được cấp phép trong năm 2024 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ. Tổng Công ty Becamex IDC ký kết hợp tác với Tập đoàn COEX nhằm thúc đẩy thương mại công nghiệp và đầu tư tại Bình Dương...

leftcenterrightdel
 Tổng Công ty Becamex IDC ký kết hợp tác với Tập đoàn COEX và KOSMO nhằm thúc đẩy thương mại công nghiệp và đầu tư tại Bình Dương.

Sau gần 30 năm tái lập tỉnh (từ 1/1/1997), từ một tỉnh nghèo, quy mô GRDP tăng từ 3,9 nghìn tỉ đồng lên hơn 487.000 tỉ đồng năm 2023 (gấp gần 125 lần). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 172,5 triệu đồng, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực (tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 90% năm 2023).

Bình Dương là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tính cuối tháng 8/2024, có hơn 4,3 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỉ USD, xếp thứ 3/63 (sau TP HCM và Hà Nội). Cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thứ 2 cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội./. 

Thuý Hà - Xuân Trường