leftcenterrightdel
 Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: Dân trí

Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 2784/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 02 tháng 5 năm 2018) về việc báo cáo điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thống nhất hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo (Dự án) theo quy định; trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu đã cung cấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 533/TTg-CN ngày 23 tháng 4 năm 2018.

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét, thông qua nội dung báo cáo.

Được biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015, theo tiến độ ban đầu sẽ khai thác năm 2017.

Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao. Khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

Xem chi tiết nội dung Công văn tại đây:

Thế Đức