Đăng ký hàng chục triệu USD, ra mắt hoành tráng nhưng nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng vẫn dậm chân tại chỗ do thiếu vốn, hoặc không giải phóng được mặt bằng.

 
“Tình hình khó khăn lắm”. Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa nói về tình hình triển khai các dự án du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh. Theo ông Thái, tiến độ triển khai của 32 dự án du lịch ở Bắc bán đảo Cam Ranh, trong đó có 5 dự án liên doanh, vẫn rất chậm, dù tỉnh đã nhiều lần cảnh báo thu hồi, rồi lại gia hạn triển khai.
 
“Sắp tới, chúng tôi có thể sẽ phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 6 dự án”, ông Thái nói và cho biết, rất nhiều dự án du lịch của Khánh Hòa vẫn đang lâm cảnh khó khăn, ngoại trừ Dự án Khu du lịch sinh thái Đỉnh Vàng của một nhà đầu tư trong nước.
 
Hầu hết các dự án trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng đang rất trì trệ. Ảnh: ĐT
Hầu hết các dự án trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng đang rất trì trệ. Ảnh: ĐT
 
Dự án liên doanh Mirax Cam Ranh Resort, mà nhà đầu tư Gerrad Holdings Limited (Nga) nắm giữ 70% cổ phần, vốn đầu tư 100 triệu USD, vẫn đang tranh chấp về đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ dân trong vùng dự án. Dự án này, với quy mô 16 ha, được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2008, dự kiến triển khai trong vòng 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai và cũng đã từng được tỉnh Khánh Hòa gia hạn triển khai.
 
Trong khi đó, Dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng 6 sao trên diện tích 19 ha, do Ngân hàng Emirates NBD (Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất - UAE) hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Lâm thông qua Swiss-Attixs International Hotel, được công bố hoành tráng hồi đầu năm nay, với kỳ vọng sẽ sớm được thực hiện, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.
 
Trung tuần tháng một, Emirates NBD và Bảo Lâm đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD vào các dự án Bắc bán đảo Cam Ranh. Giấy chứng nhận đầu tư cũng đã được cấp, nhưng theo ông Thái, chẳng bao lâu sau, hai bên đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nên cách đây ít ngày, Khánh Hòa đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án này. “Có thể, chúng tôi sẽ cấp một giấy chứng nhận đầu tư mới cho riêng Bảo Lâm”, ông Thái cho biết.
 
Một tên tuổi khác, Tập đoàn khách sạn Park Hyatt cũng đã lựa chọn Bắc bán đảo Cam Ranh làm nơi xây dựng khách sạn 5 sao Hyatt Regency Cam Ranh Bay Resort & Spa, sau hai dự án Park Hyatt tại TP HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được khởi công.
 
Còn Dự án Khu du lịch Manna Luxury Holiday Resort, được đầu tư bởi liên doanh Công ty TNHH Bờ Biển Vàng và Tập đoàn Rafaeli (Israel), với vốn đầu tư 350 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2014, nhưng tiến độ đang rất chậm.
 
“Gần như các nhà đầu tư đều rất khó khăn về tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Nhưng nếu thu hồi, chúng tôi cũng không biết sẽ giao cho ai”, ông Thái ngán ngẩm.
 
Cùng chung cảnh ngộ, Phú Yên là tỉnh có khá nhiều dự án FDI trong lĩnh vực du lịch, như NewCity (4 tỷ USD), Sao Việt (30 triệu USD), Hòn Ngọc Bãi Tràm (60 triệu USD), Làng du lịch quốc tế ven biển (10 triệu USD)…, song ngoại trừ Sao Việt và Hòn Ngọc Bãi Tràm đã hoàn tất một số giai đoạn, thì các dự án đang rất trì trệ, trong đó, dự án được kỳ vọng nhiều nhất - NewCity - vẫn đang “giậm chân” ở việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
 
Tương tự, Saigon Atlantic Hotel, vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, của nhà đầu tư Winvest LLC (Hoa Kỳ), dù hồi giữa năm 2012 đã phải “kêu cứu” lên Chính phủ, nhưng đến nay vẫn… bất động, do vẫn tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi đã rất nỗ lực, nhưng nhiều hộ dân không hợp tác, nên tình hình chưa được cải thiện”, ông Huỳnh Xuân Vinh, Phó trưởng phòng Hợp tác và Đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết.
 
Còn Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam), 4 tỷ USD, dù sau khi Genting Malaysia Berhad (Malaysia) tuyên bố rút lui hồi tháng 9 năm ngoái, nhà đầu tư còn lại trong liên doanh - VinaCapital - rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư thay thế, song vẫn chưa có kết quả khả quan. “Tình hình đang rất khó khăn. VinaCapital đã từng đưa nhà đầu tư mới đến giới thiệu, nhưng chưa có gì để khẳng định tính khả thi”, một nguồn tin cho biết.
 
Trong khi đó, tỉnh Bình Định cũng vừa đưa ra cảnh báo đỏ đối với hai dự án du lịch, nghỉ dưỡng, là Hòn ngọc Việt Nam (vốn đầu tư 125 triệu USD) và Khu du lịch Vĩnh Hội (250 triệu USD). “Đến ngày 30/6, nếu chủ đầu tư ALT (Nga) không trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Dự án, thì sẽ xem xét việc thu hồi chứng nhận đầu tư. Với với Dự án Vĩnh Hội, phải đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện, nếu không cải thiện, thì sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư”, ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.
 
Như vậy, không chỉ Phú Yên, Bình Định, hay Quảng Nam, mà ở hầu khắp các địa phương có nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, như Ninh Thuận, Bình Thuận…, đều có chung cảnh ngộ. “Tình hình có lẽ phải tới năm 2015 mới khá hơn”, ông Võ Tấn Thái nhận định.
 
Theo Đầu tư
.