(BVPL) - Theo số liệu thống kê, trong tháng 5/2015, tại Hà Nội có khoảng 1.650 giao dịch thành công, tăng khoảng 5% so với tháng trước và ước tính trong tháng 6 sẽ có khoảng 1.750 giao dịch thành công. Dự báo trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội có khoảng 7.500 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần lượng giao dịch cùng kỳ năm 2014. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, con số giao dịch cũng ở mức tương đương Hà Nội, ước tính 6 tháng đầu năm lượng giao dịch thành công tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2014.
 


Với những con số này, các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) đang “ấm” dần, bằng chứng là những tháng đầu năm 2015 tiếp tục khởi sắc, niềm tin của người mua nhà vào thị trường đã dần được khôi phục, lượng giao dịch thành công tăng và đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà có diện tích nhỏ, các dự án của các chủ đầu tư uy tín, triển khai đúng tiến độ, nhất là khi Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 30 ngàn tỷ đồng dành cho các đối tượng thu nhập thấp, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại. Thêm vào đó là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm, từ đó mức phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn… Những điều này đã góp phần làm cho thị trường BĐS phát triển hơn sau một thời gian “đóng băng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.680 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 91 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng; 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giải ngân vẫn còn chậm, theo phản ánh của người mua nhà cũng như doanh nghiệp thì vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kết quả giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng.

Để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và Ngân hàng Nhà nước để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện để vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trả lời báo chí bên hành lang tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, với các chính sách đã ban hành và sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới, trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều khu nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu của người dân khi mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng nhau vào cuộc.

Thêm nữa, đến ngày 1/7/2015 tới đây, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực, với nhiều nội dung đáng chú ý như: quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường trong thời gian tới.

Sở dĩ có quy định này, theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản do thời gian qua, có một thực tế là các chủ đầu tư huy động tiền của khách hàng nhưng sử dụng vào mục đích khác, không đầu tư vào dự án đó. Chủ đầu tư không giao được nhà, dự án không có khả năng hoàn thành theo đúng hợp đồng cam kết, khách hàng không lấy lại được tiền, gây bức xúc cho dư luận, bức xúc cho xã hội. Điều khoản này là để đảm bảo hai vấn đề: Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, giao nhà cho khách hàng theo đúng cam kết. Thứ hai, khách hàng đã ứng tiền trước cho chủ đầu tư thì khách hàng có thể yên tâm, nếu chủ đầu tư không hoàn thành dự án như cam kết thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn tiền lại cho khách mua nhà.

Trước những ý kiến lo ngại, việc cộng thêm phí bảo lãnh có thể sẽ làm tăng giá nhà khiến thị trường BĐS chưa hồi phục lại tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm, ông Đoàn Thái Sơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, mặc dù việc bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng có thể làm tăng chi phí, song hoạt động này mang lại lợi ích rất lớn cho người mua nhà và cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS hiệu quả bán được hàng nhanh, giảm hàng tồn kho. Từ đó, sẽ tác động ngược trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS hiệu quả được triển khai nhanh hơn, đồng thời giúp ngân hàng cho vay thu nợ tốt hơn.
 

Hoàng Trâm

.