Với các đơn vị sự nghiệp công lập, sau sắp xếp giảm từ 401 xuống còn 280 đơn vị, thành phố cũng đã tinh giản biên chế với 16 công chức, 52 công chức cấp xã và 83 viên chức là một trong các kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) 9 tháng đầu năm 2016 của TP Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ Hà Nội, công tác CCHC của thành phố từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong chỉ đạo điều hành và kiểm tra, giám sát thực hiện. Thành phố đã hoàn thành cập nhật vào hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật gần 1500 VBQPPL do HĐND, UBND TP ban hành từ năm 1998 đến nay. 9 tháng đầu năm, Hà Nội cũng rà soát 418 VBQPPL, qua đó xác định cần sửa đổi, bổ sung 227 văn bản, bãi bỏ 101 văn bản và công bố 44 văn bản hết hiệu lực.

Đồng thời, thành phố đã rà soát, đơn giản hóa 308 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 13 lĩnh vực, công bố danh mục 658 TTHC đã được chuẩn hóa; thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế với tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,56%, chiếm trên 20% của cả nước.

Từ tháng 5-2016, thành phố thí điểm thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư – đăng ký doanh nghiệp với các nhà đầu tư nước ngoài, giảm được ½ số lần đi lại và rút ngắn thời gian từ 30-60%; từ tháng 6-2016 thí điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 84 cuộc đối thoại với các tổ chức, cá nhân về thực hiện TTHC.

 

 Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết thành phố đang tích cực tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện DVCTT
Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết thành phố đang tích cực tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện DVCTT


Thực hiện tinh giản biên chế, thành phố đã kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22 Sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban. Với các đơn vị sự nghiệp công lập, sau sắp xếp giảm từ 401 xuống còn 280 đơn vị. Thành phố cũng đã tinh giản biên chế với 16 công chức, 52 công chức cấp xã và 83 viên chức. Hiện, thành phố đang xây dựng đề án sắp xếp các Ban quản lý dự án, các Trung tâm văn hóa thể dục thể thao, Đài Phát thanh huyện...

Sau thí điểm thành công thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại các phường của quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm, từ ngày 10-8-2016, TP triển khai đồng loạt hệ thống DVCTT mức độ 3 về khai sinh, khai tử tại 144 phường của 10 quận còn lại. Đồng thời, từ ngày 1-10-2016, Hà Nội sẽ triển khai tại 6 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì và từ ngày 1-12-2016 thực hiện tại các huyện còn lại. UBND TP cũng đã thống nhất danh mục DVCTT mức độ 3, 4 của TP triển khai trong năm nay gồm 132 dịch vụ công thuộc 37 nhóm dịch vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ cho biết, qua thời gian đầu triển khai DVCTT, còn một số hạn chế như tình trạng số lượng, tên TTHC đang được cung cấp ở mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị chưa được tổng hợp và cập nhật; Phần mềm cung cấp DVCTT mức độ 3 còn lỗi như phí - lệ phí ghi chưa đúng, chưa theo dõi được tình trạng nhận - giải quyết hồ sơ tại cơ quan Công an…

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết thành phố đang có những giải pháp tích cực tháo gỡ vướng mắc, nhất là về hệ thống phần mềm, trang thiết bị trong thực hiện DVCTT. Ông Tuấn cũng đề nghị các đơn vị chú trọng tăng cường tuyên truyền về lợi ích và cách thức sử dụng DVCTT để giúp người dân hiểu về các tiện ích và thay đổi, tạo thói quen giải quyết TTHC trực tuyến. Trong đó, theo ông Tuấn, cần hướng tới tuyên truyền cho học sinh cấp trung học phổ thông, vì đây là những công dân sắp trưởng thành, sẽ trợ giúp đắc lực cho ông bà, bố mẹ sử dụng DVCTT.

 

Theo PL&XH

.