Các công ty môi giới ngoại không còn “làm mưa làm gió” trên thị trường với các dự án độc quyền khi ngày càng có nhiều đơn vị trong nước phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây môi giới ngoại đang dần lấy lại vị thế.

 


Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu mua nhà của cả Việt kiều và người nước ngoài. Đây cũng là thời điểm vàng cho các hoạt động môi giới. Trong khi chờ đợi thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành, các công ty môi giới ngoại đã có những cái bắt tay hợp tác với doanh nghiệp bất động sản.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, hàng loạt thương vụ bắt tay với môi giới ngoại như: Tại TP.HCM, CBRE Việt Nam vừa ký hợp tác với Khang Điền để trở thành đơn vị quản lý chuỗi khu dân cư Mega và khu biệt thự cao cấp Lucasta do đơn vị này làm chủ đầu tư; Sacomreal cũng ký kết hợp tác chiến lược với CBRE Việt Nam để đơn vị này độc quyền phân phối và tiếp thị các dự án tới khách hàng Việt kiều và người nước ngoài.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã chọn CBRE làm đơn vị tư vấn và tiếp thị cho The Landmark 81, thuộc Khu đô thị Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).Tại Đà Nẵng, Khu biệt thự nghỉ dưỡng Premier Village Đà Nẵng Resort của Tập đoàn Sun Group được Accor Hotels quản lý và CBRE phân phối và tiếp thị. Trước đó, Savills cũng đã hợp tác cùng Thành Đô để giới thiệu chuỗi biệt thự ven biển Naman Residence.

Tại Hà Nội, Savills cũng là đơn vị chính thức được chọn phân phối độc quyền khu biệt thự Vinhomes Riverside (Long Biên, Hà Nội) của Tập đoàn Vingroup. Không chỉ dừng lại ở phân khúc cao cấp, Savills cũng đang mở rộng sang thị phần nhà ở giá rẻ bằng việc hợp tác chiến lược với sàn Danh Khôi để đồng phân phối độc quyền khu căn hộ Dream Homes (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Nếu xu hướng này được phát triển, một cuộc cạnh tranh kịch liệt giữa các đơn vị môi giới nội và ngoại sẽ diễn ra.

Ông Phan Công Chánh, Chuyên gia bất động sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, đánh giá đội ngũ bán hàng và tư vấn của các công ty môi giới nội hiện khả năng còn nhiều hạn chế như trình độ ngoại ngữ. Có ít nhân viên môi giới có thể tạo được uy tín trước các khách hàng nước ngoài.

Theo ông Chánh, cục diện của các công ty chuyên biệt về môi giới cũng sẽ bị phân tầng ra. Những công ty có đội ngũ bán hàng có trình độ ngoại ngữ tốt, tạo uy tín tốt chắc chắn sẽ có lợi trong cuộc đua tư vấn.

Những năm trước đây, hàng loạt tên tuổi như CBRE, Savills, Colliers International, DTZ, Cushman & Wakefield, Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle... lần lượt gia nhập thị trường Việt Nam và chiếm lĩnh thị phần môi giới bất động sản. Tuy nhiên, không ít công ty trong số này hiện đã rời khỏi thị trường hoặc thu hẹp hoạt động của mình.

Trả lời về vấn đề liệu có hay không việc quay trở lại của những đơn vị môi giới ngoại tại Việt Nam, ông Chánh nhìn nhận, điều này tùy vào quan điểm của mỗi công ty và chiến lược kinh doanh, vấn đề là thị trường Việt Nam có thực sự hấp dẫn hay không thì vẫn phải chờ vì chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể về việc bán nhà cho khách ngoại. Và cho tới thời điểm này cũng chưa xác định được khối ngoại tiềm năng tới mức nào, cho nên cần phải có thời gian.

Tuy nhiên, ông Chánh cũng tiết lộ: “Trong hệ thống căn hộ Ruby Home, có một số chuyên gia giảng dạy về tiếng Anh họ đến tìm thuê ở, khi tôi trao đổi thì được họ cho biết hiện được một công công ty và tập đoàn bất động sản (không tiện nêu tên) đang thuê những người đó để dạy tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp với khách nước ngoài”.

Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, hiện tượng “sóng ngầm” cạnh tranh giữa các đơn vị môi giới bất động sản nội và ngoại tại Việt Nam sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Chắc chắn, các đơn vị nội sẽ không chấp nhận bị mất thị phần về tay khối ngoại như trước đây.

 

Theo NTD

.