leftcenterrightdel
Dự án Khách sạn Vavisal đã bỏ hoang gần 30 năm. 

30 năm trước, khách sạn Vavisal, công trình liên kết giữa Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ, TP. Hồ Chí Minh và UBND huyện Vạn Ninh (tỉnh Phú Khánh cũ, nay là tỉnh Khánh Hòa) được khởi công xây dựng tại bãi biển Đại Lãnh, bãi biển đẹp và nổi tiếng nằm ngay dưới chân Đèo Cả. Dự án có mặt bằng 7.800m2, quy mô 4 tầng, vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng, là công trình vào loại bề thế nhất huyện Vạn Ninh lúc bấy giờ.

Năm 1989, công trình khách sạn Vavisal đang xây dựng thì bị dừng do thiếu kinh phí. Cuối năm 1994, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho UBND huyện Vạn Ninh bán công trình dở dang này cho ông Nguyễn Thanh Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng) - Tổng Giám đốc Công ty Nước khoáng Tu Bông và một số cá nhân khác để xử lý khoản vay đầu tư dự án. Tuy nhiên, bên mua đã không tiếp tục đầu tư, hoàn thiện công trình. Dự án sau khi tiêu tốn khá nhiều tiền bạc và công sức với tòa nhà 4 tầng sắp hoàn thành phần khung chịu lực, đã bị bỏ hoang.

Sau gần 30 năm phơi mưa nắng, hiện công trình trong tình trạng rệu rã, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Không những thế, công trình bỏ hoang này còn trở thành một “điểm đen” nhức nhối về tệ nạn xã hội của địa phương, gây mất mỹ quan khu vực…

Trả lời báo chí tháng 9/2017, ông Hoàng Đình Phi- Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Vân Phong-  đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp Khánh Hòa, cho biết, giữa năm 2016, tại buổi làm việc giữa BQLKKT Vân Phong với đại diện nhóm các nhà đầu tư công trình khách sạn Vavisal về hướng giải quyết dự án, phía nhà đầu tư đã đồng ý sẽ tiến hành khảo sát lại công trình, đánh giá hiệu quả đầu tư và thống nhất với các nhà đầu tư còn lại để đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, BQLKKT đã báo cáo UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa đánh giá khả năng thực hiện dự án và thống nhất kế hoạch triển khai dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không thực hiện các phần việc như đã thống nhất. Đến tháng 12/2016, đại diện chủ đầu tư lại đề nghị BQLKKT Vân Phong gia hạn 6 tháng để thu xếp nguồn vốn nhằm thực hiện một trong hai phương án là tu sửa, khai thác công trình hoặc tháo dỡ công trình trả lại cảnh quan cho khu vực. Tuy vậy sau đó, nhà đầu tư vẫn không triển khai và cũng không có thông tin phản hồi. Cũng theo ông Phi, trong trường hợp Sở Kế hoạch đầu tư không có đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, thì BQLKKT Vân Phong sẽ tiến hành xem xét các điều kiện pháp lý để thực hiện thủ tục chấm dứt dự án đầu tư theo quy định.

Trao đổi với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật vào đầu tháng 2/2018, ông Nguyễn Hữu Nghị - Trưởng phòng Quản lý đầu tư BQLKKT Vân Phong cho biết, mới đây, cơ quan này đã liên hệ với nhà đầu tư, yêu cầu có phương án xử lý dứt khoát là dọn dẹp, xử lý công trình dở dang hay đập bỏ để triển khai dự án mới. Nếu trong một tuần, chủ đầu tư không trả lời, BQLKKT Vân Phong sẽ báo cáo UBND tỉnh, chuyển hồ sơ sang Sở Tài nguyên & Môi trường xử lý về lĩnh vực đất đai.

Nguyễn Huân