Kết quả kiểm kê tình trạng sử dụng đất đai năm 2010 cho thấy khá nhiều chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu đất trồng lúa, đất khu công nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở, đất chuyên dùng,…thực hiện “vượt mức” kế hoạch giai đoạn 2006 – 2010 Chính phủ xét duyệt. Tình trạng quy hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tế đã, đang diễn ra ở nhiều cấp.

 

Cơ quan quản lý bị động

 

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt là cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn tình trạng dự báo chưa sát nhu cầu sử dụng đất những năm tiếp theo.

 

Năm 2009, UBND thành phố phải có công văn trình Chính phủ cho phép thu hồi thêm 1600 ha đất, diện tích này được bổ sung trong kế hoạch sử dụng đất vào năm sau. Mức diện tích này gấp 11 lần so với phần diện tích được dự kiến sẽ phát sinh theo quy hoạch sử dụng đất. Phát sinh này do sự “xuất hiện” của 4 dự án có quy mô lớn. Đó là các dự án mở rộng Cảng Hải Phòng, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ,

 

Khu công nghiệp và khu đô thị Bắc Sông Cấm, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Các dự án này đều có diện tích sử dụng lớn nhưng chưa được đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở giai đoạn này. Không chỉ gặp khó trong việc dự báo nhu cầu sử dụng đất chung cả thành phố mà việc định lượng diện tích sử dụng trong mỗi dự án cũng chưa thực sự chính xác. Như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, bước đầu lập dự án, diện tích sử dụng chỉ vào khoảng 42 ha, nhưng sau đó nhu cầu sử dụng đất của dự án tăng lên 450 ha.

 

Tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước bị động trong việc lập, xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đã và đang diễn ra ở nhiều cấp. Do công tác dự báo chưa đầy đủ nên chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, vì vậy phải điều chỉnh nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng dễ thấy nhất là sự thiếu gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể.

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng là một trong 4 dự án quy mô lớn có nhu cầu sử dụng đất tăng so với dự kiến ban đầu.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng là một trong 4 dự án quy mô lớn có nhu cầu sử dụng đất tăng so với dự kiến ban đầu.

 

Thiếu sự gắn kết với quy hoạch tổng thể

 

“Rất khó tiên lượng được khả năng sử dụng đất của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý Nhà nước khá bị động trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.”- Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bùi Quang Sản đánh giá như vậy về kết quả của việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua.

 

Báo cáo kết quả thi hành Luật Đất đai trên địa bàn trong những năm qua cho thấy, thực tế việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu sự kết nối chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng. Quy hoạch sử dụng đất hầu như không dự báo được trong khoảng thời gian lập quy hoạch có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng. Bởi lẽ sự phát triển, mở rộng của hoạt động sản xuất kinh doanh có khá nhiều biến động, phụ thuộc tình hình, đời sống kinh tế-xã hội, thị trường trong nước và quốc tế.

 

Trong khi đó, các quy định về việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều điều chưa phù hợp. Theo thông tư của Bộ Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn việc lập, điều  chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị định 69 quy định việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới được thực hiện trong thời gian tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên trực tiếp.

 

Tuy nhiên, yêu cầu của việc lập quy hoạch sử dụng đất là cấp trên trực tiếp phải xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cần phân bổ để làm cơ sở cho cấp dưới lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi theo Luật Đất đai 2003, các chỉ tiêu phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất các cấp được tăng dần từ cấp trên đến cấp dưới. Cụ thể quy hoạch đất cấp quốc gia gồm 11 chỉ tiêu, cấp tỉnh 19 chỉ tiêu, cấp huyện 24 chỉ tiêu và cấp xã 30 chỉ tiêu. 

 

Quy hoạch sử dụng theo hướng phân vùng

 

Quy hoạch sử dụng đất đai là biện pháp nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất đai, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí đất đai, tránh tình trạng chuyển đổi tùy tiện mục đích sử dụng; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm huỷ hoại đất, phá vỡ sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường,...

 

Để nâng cao hiệu quả việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bùi Quang Sản đề xuất: quy hoạch sử dụng phải theo hướng phân vùng sử dụng đất theo không gian. Cụ thể, cần phân định rõ đâu là vùng chuyên lúa, vùng rừng đặc dụng cần bảo vệ, giữ nguyên, đâu là vùng sẽ sử dụng để phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, cần phải cho chuyển đổi. Trên cơ sở đó phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương quản lý và phát triển. Quy hoạch phân vùng này được chuẩn bị đồng thời với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sau đó mới triển khai quy hoạch xây dựng để cụ thể hóa từng vùng sử dụng đất được  phê duyệt.

 

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo và cung cấp thông tin cho các ngành, địa phương phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất; rà soát, bổ sung, cập nhật và hiệu chỉnh các quy hoạch được duyệt; kết hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

 

 

 Đồng thời, chấn chỉnh công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch ở tất cả ngành, cấp; nâng cao trình độ, năng lực cán bộ lập, duyệt và quản lý quy hoạch. Tăng cường sự giám sát thực hiện quy hoạch gắn với sử dụng đất ở các địa phương. Đặc biệt, cần cân đối bố trí quỹ đất hợp lý cho nhu cầu phát triển hạ tầng xây dựng đô thị, công nghiệp trên cơ sở tăng cường khai thác và nâng cao hệ số sử dụng đất.

 


Theo Baohaiphong