(BVPL) - Với mục tiêu phát triển khu Đông thành “đô thị hiện đại”, TP.HCM đã tập trung quy hoạch, xây dựng nhiều công trình tiện ích công cộng, các nút giao thông, tuyến đường quan trọng nhằm thu hút các chủ đầu tư và hình thành các khu dân cư mới. Gần đây, phó giám đốc Sở Quy Hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã đưa ra một số nhận định mang tính chiến lược cho việc phát triển kinh tế hạ tầng khu Đông thành phố. 
 
Thu hút đầu tư các nút giao thông trọng điểm
 
Được biết, thời gian qua, chính quyền TPHCM và ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông đô thị có quy mô lớn trên địa bàn hướng Đông. Cụ thể, chủ trương thành phố HCM trong giai đoạn 2012- 2020, các dự án hạ tầng khu Đông chiếm tới 70% số tiền đầu tư các tuyến giao thông của toàn thành phố. Các dự án kết nối khu vực này được triển khai mạnh mẽ như: Nâng cấp, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đầu tư mới cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức. 
 
Hơn thế nữa, để thay đổi diện mạo cho khu đô thị phía Đông này, TP.HCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối thông suốt TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ; Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội, kết nối trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm; đường vành đai phía Đông kết nối đường Nguyễn Văn Linh, qua quận 2, 9 với cầu Phú Mỹ và kết nối với Khu công nghệ cao (SHTP), tiến tới khép kín đường vành đai 2; dự án đường vành đai 3 đang khẩn trương triển khai để kết nối từ phía Tây, Tây Nam với đô thị Nhơn Trạch, Long Thành và Bình Dương. Bên cạnh đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, công trình bến xe Miền Đông mới và tuyến đường sắt kết nối với ga trung tâm Thủ Thiêm là những dự án có vốn đầu tư “khủng”. 

 

Nhiều nút giao thông trọng điểm tại khu Đông được đầu tư mạnh mẽ
Nhiều nút giao thông trọng điểm tại khu Đông được đầu tư mạnh mẽ
 
Ngoài ra, để giải bài toán về hạ tầng giao thông giữa khu vực cảng và khu dân cư là điều cấp thiết đẩy khu Đông phát triển mạnh mẽ. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toàn – Phó giám đốc Sở Quy Hoạch – Kiến trúc TP.HCM nhận định: “Giao thông trong đô thị và trong khu dân cư thì không thể nào có vận tải hàng hóa bằng xe container mà phải bằng đường chuyên dụng. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị với Thủ tướng để bổ sung thêm tuyến đường sắt nhằm phục vụ cho vận chuyển hàng hóa ra vào cảng. Khu dân cư sẽ đi lại bằng những tuyến đường khác, riêng biệt…”.
 
Giải “bài toán” giao thông đô thị
 
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế, phân phối hàng hóa cho khu vực phía Nam, các cảng biển, cảng trung chuyển là động lực để phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất và thương mại. Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm số 5) khu vực sông Sài Gòn trên địa bàn Q2,Q9 được quy hoạch cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu, tiếp nhận hàng hóa từ tuyến giao thông hàng hải sông Sài Gòn. Ngoài ra khu vực Q9 được quy hoạch cảng trung chuyển ICD Long Bình (phường Long Bình). Các cảng biển, cảng trung chuyển nhằm tận dụng ưu thế vận tải đường thủy từ sông Sài Gòn phục vụ vận chuyển hàng hóa cho các khu công nghiệp. Vị trí các cảng được bố trí tiếp giáp truyến giao thông chính như: Vành đai 2, Vành đai 3 để không ảnh hưởng đến giao thông đô thị và thuận lợi trong khai thác, vận hành.
 
Tuy nhiên, việc tập trung hoạt động của các cảng biển ở khu Đông như hiện nay khiến nhiều giới đầu tư còn e ngại. Để khẳng định sự quy hoạch và phát triển đồng bộ giữa kinh tế và hạ tầng giao thông  khu vực này, ông Nguyễn Thanh Toàn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nói: “Sắp tới, thành phố sẽ phân luồng giao thông lại và đầu tư một số hạ tầng giao thông tiếp để giải quyết bài toán mà giao thông trong đô thị mà các phương tiện cảng đi qua, có thể đi đường thủy hoặc đường sắt Hiện nay, hệ thống giao thông các tuyến vành đai chưa hoàn thiện nên mới phải sử dụng những tuyến giao thông đô thị tạm thời trong giai đoạn trước mắt để phục vụ cho việc ra vào các cảng. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì sau khi ổn định các tuyến vành đai, một số tuyến đường cao tốc và đường chuyên dụng thì các phương tiện vận tải hàng hóa sẽ đi tách hẳn….”.
 
Đánh giá về tình hình phát triển đô thị tại khu Đông TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Toàn cũng nhận định: “Hiện nay, nói về phát triển mang tính chiến lực thì Q2, Q9 sẽ phát triển rất nhanh bởi có những thuận lợi của các dự án giao thông trọng điểm của thành phố nằm trong địa bàn này. Đây là yếu tố lâu dài để phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, các Khu Công nghệ cao chính là một trong những động lực để tạo điều kiện phát triển phía Đông. Quy hoạch thì có những khu đặc thù để thu hút lao động, để phát triển và đồng thời là hạt nhân để làm động lực, như phía Đông mang đặc thù có Khu đô thị Thủ Thiêm là khu tài chính kinh tế, có khu công nghệ cao, khu các trường đại học cao đẳng, một số khu vực bệnh viện hệ Trung ương đều nằm hướng Đông”.

 

Rosita Garden – một dự án tiêu biểu tại khu Đông thành phố
Rosita Garden – một dự án tiêu biểu tại khu Đông thành phố

 

Chủ trương TP.HCM là đầu tư phát triển khu Đông thành đô thị hiện đại trên cơ sở các khu công nghệ cao là động lực. Điều này càng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và hình thành các khu dân cư trong khu công nghệ cao. Điều này cũng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và tạo những thành công rực rỡ. Nói về vấn đề này, TS Dương Minh Tâm – Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết: Định hướng phát triển công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao chính là “chất keo” gắn kết phát triển kinh tế. Thực tế minh chứng, trên thế giới từ sự thành công điển hình của mô hình “Thung lũng Silicon” tại bang Califonia – Mỹ, có nhiều quốc gia phát triển mô hình “Vùng công nghệ cao” với các tên gọi thích hợp từng mô hình. Từ thời đại nông nghiệp chuyển qua thời đại công nghiệp hóa và một số quốc gia đã bắt đầu chuyển qua “thời đại kỹ thuật số” hay nền kinh tế tri thức, các Khu Công nghệ cao, Viện nghiên cứu, trường Đại học đã trở thành hạt nhân hình thành vùng kinh tế có năng suất lao động vượt trội so với nền kinh tế công nghiệp. Một ví dụ minh chứng là Thành phố khoa học Tsukuba của Nhật Bản, đây là dự án quốc gia được thực hiện trên một khu vực rộng 28.560ha. Nó được phát triển thành một thành phố khoa học có quy hoạch cẩn thận bao gồm các khu nhà ở lân cận, các cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, các viện thử nghiệm và nghiên cứu quốc gia..
 
Với việc giải đáp được thắc mắc về quy hoạch giao thông đô thị cho khu Đông và phát triển các khu công nghệ cao tạo động lực. Trong thời gian tới, khu Đông thành phố hứa hẹn sẽ trở thành “Miền Đất Hứa” cho giới đầu tư và người dân với một môi trường sống hiện đại, tiện nghi và đẳng cấp.
 
Mai Phong