Báo Xây dựng ngày 29/9 có bài viết “Quận Hoàng Mai – Hà Nội : Hàng loạt các trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động” phản ánh về tình trạng các trạm trộn bê tông trên địa bàn quận Hoàng Mai hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Những sai phạm này đã từng bị các cơ quan chức năng “vạch mặt”. Tuy nhiên, đến nay các trạm trộn bê tông không được xử lý dứt điểm, thậm chí còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
 
Trạm trộn bê tông của Cty Sông Đà – Việt Đức
Trạm trộn bê tông của Cty Sông Đà – Việt Đức
 
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết ngày 04/10/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra số 1316/KLTT-STNMT về việc sử dụng đất của các tổ chức được UBND cấp phường cho thuê trái pháp luật để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp (sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo đó, kết luận thanh tra đã chỉ ra, việc cho thuê của UBND phường là trái thẩm quyền và việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân là sai mục đích (cụ thể: tại Lĩnh Nam có 9 doanh nghiệp, phường Thanh Trì có 21 doanh nghiệp). Đặc biệt, tại khu vực gầm cầu Thanh Trì là giáp ranh giữa hai phường Thanh Trì và Lĩnh Nam là khu vực có nhiều trạm trộn đang hoạt động rầm rộ nhất. Thời điểm phóng viên quan sát, phát hiện 4 trạm trộn bê tông đang hoạt động. Do có vị trí khuất nên đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho các trạm trộn bê tông được ngang nhiên hoạt động.
 
Theo luận thanh tra, Cty CP đầu tư Sông Đà – Việt Đức (phường Lĩnh Nam) diện tích sử dụng 21.422 m2 là đất nông nghiệp giao theo 64/CP do ông Vũ Văn Thảo thuê của các hộ dân sau đó liên kết với Cty CP đầu tư Sông Đà – Việt Đức.
 
Ngay khi liên kết liên doanh với ông Vũ Văn Thảo, Cty CP đầu tư Sông Đà – Việt Đức đã san lấp và xây dựng 3 nhà cấp 4 diện tích 516 m2 và tập kết nguyên vật liệu làm bê tông. Diện tích này hiện không thể cải tạo và khôi phục lại để sản xuất nông nghiệp. Theo quy định thì việc đơn vị thuê đất và sử dụng sai mục đích là trái pháp luật…
 
Trong kết luận thanh tra thì phía Cty Sông Đà – Việt Đức có có cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính và đề nghị được nhà nước cho thuê sử dụng đúng quy định.
 
Ông Nguyễn Ngọc Mạnh – Quản lý trạm trộn bê công của Cty Sông Đà Việt Đức cho biết: “Đây là đất nông nghiệp và đã được chuyển sang đất phi nông nghiệp. Trước kia, Công ty có kí các dự án phục vụ 1000 năm Thăng Long và đã có các trạm trộn bê tông hoạt động và được cấp phép. Tuy nhiên, trạm đó phục vụ không kịp và bị hỏng. Sau đó, Cty mới xin thuê đất của HTX Lĩnh Nam để phục vụ công trình 1000 năm Thăng Long. Theo hợp đồng, sau khi phục các công trình 1000 năm Thăng Long xong sẽ phải trả lại, nhưng do công ty có dự án khác nên đã làm công văn xin gia hạn. Năm 2004, UBND Thành phố có văn bản yêu cầu những cơ sở nào đang làm thì tạm thời giữ nguyên hiện trạng để xin cấp phép. Thời điểm đó, công ty đã bị đình chỉ và cắt điện. Cuối năm 2015, có Thông tư cấp phép, chúng tôi mới đi làm”.
 
Trạm trộn bê tông của Cty TNHH Việt Đức
Trạm trộn bê tông của Cty TNHH Việt Đức
 
Liên quan đến vấn đề cấp phép, ông Nguyễn Ngọc Mạnh cũng khẳng định: “Đến thời điểm này, trạm trộn bê sông của Cty Sông Đà Việt Đức hoạt động không phép, hiện nay, công Cty đang hoàn thiện thủ tục để gửi các cơ quan xin cấp phép và thuê đất, chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện thủ tục trong nay mai”.
 
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam. Ông Thọ cho biết:
 
Diện tích đất dùng làm trạm trộn bê tông của Cty Sông Đà – Việt Đức hoạt động hiện nay là đất của dân, không phải đất công. Trước kia đất này là của HTX Lĩnh Nam. Khi UBND phường kiểm tra và yêu cầu Cty cung cấp hồ sơ thì phía Cty cũng xuất trình được các giấy phép về môi trường, các đề án phân tích, bảo vệ môi trường hàng năm. Còn giấy phép về hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng thì trong hồ sơ thì không có. Gần nhất, UBND phường có mời công ty ra làm việc, họ đã cung cấp rất nhiều hồ sơ như: đăng kiểm xe, hồ sơ các dự án mà họ đã ký…, tuy nhiên, hồ sơ về đất thì không có giấy tờ gì cả. Vì đất này công ty họ thuê của ông Thảo và ông Thảo thuê lại từ dân là hình thức liên doanh liên kết nên chỉ hai bên biết với nhau. Hiện nay, phía công ty cũng đang xin các sở ngành để hoàn thiện thủ tục. UBND phường cũng thường xuyên giám sát những vấn đề này.
 
Nói về những hậu quả mà trạm trộn bê tông của Cty Sông Đà – Việt Đức gây ra, ông Thọ cho biết: “Việc sản xuất hiện nay của Công ty không mấy ảnh hưởng đến đời sống người dân vì các trạm trộn nằm xa khu dân cư. Nhưng về lâu dài sẽ gây ô nhiễm đối với môi trường, nước thải. Không những vậy, xe vận tải bê tông, vật liệu sản xuất bê tông phá đường rất ghê ghớm. Bên cạnh đó, từ khi hoạt động đến nay, thành phố cũng không thu được bất cứ khoản tiền thuê đất nào của Cty Sông Đà – Việt Đức. Theo tính toán, thì nhà nước thiệt hại gần chục tỷ đồng tiền thuê đất kể từ khi Cty này hoạt động.
 
Trong kết luận thanh tra, thành phố đã cho Cty làm thủ tục để lập dự án và tạm thời tồn tại cho đến khi có quy hoạch mới thì nhận chuyển nhượng đất của người dân, vì dự án này không phải là dự án an ninh, quốc phòng… nên nhà nước sẽ không thu hồi đất. Vì vậy, phía Cty cần nhận chuyển nhượng đất của người dân và nộp tiền thuê đất hàng năm.
 
Trạm trộn bê tông Cty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hàn
Trạm trộn bê tông Cty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hàn
 
Chia sẻ về các biện pháp ngăn chặn hoạt động của các trạm trộn bê tông, ông Thọ nhấn mạnh: “Quan điểm của UBND phường là cấm hoạt động các trạm trộn bê tông này. Biện pháp hữu hiệu nhất là Sở GTVT cắm biển hạn chế tải trọng để cấm xe tải trọng lớn vận chuyển bê tông. UBND phường không đổ cho lịch sử, nhưng nó là việc nhức nhối ở phường đã nhiều năm nay. Nhu cầu bê tông tươi hiện nay trên địa bàn thành phố là rất lớn, như vậy thành phố nên quy hoạch thành những vùng sản xuất, đặt xa đô thị như đầu Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Lâm, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đông Anh… để đưa bê tông vào nội đô. Nếu các trạm trộn bê tông tồn tại trong nội thành, thì mỗi ngày có tới hàng nghìn khối bê tông được sản xuất, điều này, khiến cho các xe chở vật liệu như chở cát, sỏi sẽ phá đường, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn các vấn đề về an toàn, tai nạn giao thông. Do vậy, UBND Phường Lĩnh Nam kiến nghị thành phố sớm di dời các trạm trộn bê tông ra khỏi nội thành và đảm bảo có lộ trình cố định.
 
Rõ ràng, việc các trạm trộn bê tông hoạt động không phép không những gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, ô nhiễm môi trường, mà còn làm thất thu cho nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm. Báo Xây dựng đề nghị các cơ quan TP. Hà Nội vào cuộc để xử lý dứt điểm vụ việc, tránh để vấn đề nan giải, gây thất thoát tiền thuê đất của nhà nước.
 
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
 
Theo baoxaydung.com.vn
.