(BVPL) - Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội nhất là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tại các địa phương vẫn chậm, dù đã có nhiều cơ chế chính sách. Đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp. Tuy vậy nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn nhất là người nghèo, công nhân các khu công nghiệp.

 


Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Các địa phương có đông công nhân lao động ngoại tỉnh đến làm việc phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động với mức giá phù hợp. Như vậy người lao động mới gắn bó với doanh nghiệp và địa phương lâu dài: “Bình quân một người có thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng họ phải trang trải cuộc sống nên họ hầu như không có sự tích lũy để xây dựng nhà ở. Vì vậy Nhà nước nên có chính sách về đất, nguồn vốn để hỗ trợ cho họ để họ có nơi ăn, chốn ở, có như thế họ mới yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với mình...”.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã nỗ lực đầu tư nguồn lực rất lớn để hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người dân vũng lũ. Thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm có chỉ thị về việc phát triển nhà ở xã hội. Các địa phương phải căn cứ vào chỉ thị để ban hành chương trình phát triển nhà ở xã hội ở địa phương. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội cho cả 9 nhóm đối tượng. Về việc chăm lo nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đồng Nai thời gian qua đã tích cực giải quyết nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, hiện nay nhiều địa phương chưa có chương trình triển khai công tác này; chưa dành đất đai, chưa chọn được doanh nghiệp để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Hội nghị này nhằm rút ra cách làm, cơ chế cần thiết để làm nhà ở xã hội cho mọi miền Tổ quốc, chứ không chỉ riêng ở Hà Nội. Thủ tướng còn nhấn mạnh: Địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình này, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn sẽ là một điều kiện khá thuận lợi cho nhà đầu tư.


Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới, giảm giá thành, đề xuất giải pháp, cơ chế, nguồn lực để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội nói chung, trong đó có nhà chống lũ cho hộ nghèo miền Trung nói riêng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội có cơ cấu sản phẩm phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Trong một khu đô thị phải gồm cả nhà ở cho thuê, nhà thương mại, giành một tỷ lệ nhà cần thiết có thể là 50% số lượng cho công nhân mua theo dạng nhà ở xã hội.
 

PV

.