“Tình hình phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Việt Nam trong xu thế hội nhập có thể tóm tắt bằng từ ngữ “vật vã”. KH&CN đang “vật vã” đi lên trong nhận thức, trong hành động và trong kết quả...”.

 


Minh chứng cho thực tế vừa nêu, Cục trưởng Cục CTPN Bộ KH&CN đã dẫn lời của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015, do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 11/9: “Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, chúng ta cũng nhận thấy, một cách trung thực và khách quan rằng KH&CN nước ta vẫn chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN nước ta vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt Việt Nam thiếu nghiêm trọng cán bộ đầu ngành, các tổng công trình sư, các cán bộ khoa học có trình độ quốc tế. Chính điều này đã hạn chế tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo cũng như năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở quy mô quốc gia và quốc tế, dẫn đến kết quả là chúng ta chưa có nhiều công trình khoa học đạt chất lượng cao, hiệu quả lớn”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: “Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa thực sự nhận thức đúng vai trò và tính đặc thù của KH&CN, chưa coi trọng cán bộ khoa học trẻ, đổi mới tư duy. Cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN còn bất cập và tính khả thi, thực thi cũng còn nhiều bất cập, chưa có những chính sách thực sự có hiệu quả trong việc sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và người tài…”.

Ông nhìn nhận, lâu nay nhà nước đã có công xây dựng nhiều chính sách phát triển KH&CN với nhiều Nghị quyết Trung ương và các chương trình KH&CN cấp quốc gia, nhưng việc thực thi còn chậm. Về phía nhà khoa học: Đã có đội ngũ đông đảo, đa dạng trên hầu hết các lĩnh vực KH&CN và đã có một số kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn hạn chế như câu phát biểu đáng suy nghĩ của TS. Nguyễn Bá Hải, nhà sáng chế trẻ, tài năng nói: “Chúng ta có một vài điểm sáng trên bầu trời u ám”.

Về phía các nhà doanh nghiệp, TS. Vũ Văn Khiêm ghi nhận đã có không ít doanh nghiệp chủ động nhập công nghệ mới, “đi tắt đón đầu”. Nhiều doanh nghiệp KH&CN tự lập với số vốn ít ỏi nhưng đã kiên trì đi đến thành công. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, vẫn còn tư tưởng “ăn xổi” chưa có chiến lược lâu dài, xây dựng thương hiệu, chưa quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, đến tiêu chuẩn, chất lượng trong khi nhà nước đang tích cực đàm phán để hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

 

Theo NTD

.