Phá rừng làm thủy điện không trồng lại, dời dân đi nhưng không cấp đủ đất để tái định cư, vỡ đập vì xây chất lượng kém, xả lũ bất ngờ gây hại cho dân, không bù đủ nước cho hạ lưu… Rõ ràng, quản lý phát triển thủy điện đang có nhiều vấn đề. Dự án thủy điện bị phản đối ai cũng có lý để được ký thông qua nhưng khi có sự cố, gây ra hậu họa thì ai cũng có lý để từ chối trách nhiệm.
 
 
Trong khi phát triển mạnh thủy điện thì mạng lưới quan trắc đo mưa ở miền Trung rất thưa, rất ít trạm, chỉ đo mưa 12 giờ và mưa 24 giờ, không có 6 hay 3 giờ. Ví dụ lưu vực sông Ba có khu vực gần 5.000 km2 mới có một trạm. Thiếu các trạm quan trắc, đo mưa thì công tác dự báo sẽ yếu kém và độ chính xác không cao, khiến cho các nhà máy thủy điện cũng khó đưa ra những quyết định chính xác và sớm.
 
Hiện các công trình thủy điện tại miền Trung chỉ có thể thông báo xả lũ trước 2 - 3 giờ, trong khi người dân cần ít nhất 6 - 8 giờ để chuẩn bị đối phó.
 
Các nhà khoa học cho biết, chúng ta hoàn toàn có thể tăng thời gian thông báo trước khi xả lũ, nếu nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, bổ sung các trạm đo mưa... nhưng điều đó đã không được quan tâm đầu tư đúng mức.
 
Không những thế, nhiều chủ đầu tư thủy điện thiếu am hiểu về vận hành hồ chứa. Trong khi đó, chính những con người này trực tiếp quyết định phương án giữ hay xả nước.
 
Đấy là chưa kể, qui trình vận hành liên hồ tại miền Trung thời gian qua không có mấy tác dụng bởi khả năng dự báo không tốt. Điểm quan trọng nhất trong vận hành liên hồ phải có một chỉ huy trưởng điều hành các hồ xả nước trước sau thế nào, đến nay ở miền Trung chưa có đầu mối tổng thể.
 
Vì vậy, mặc cho cơ quan chức năng khẳng định các hồ chứa đã vận hành đúng quy trình trong xả lũ thì nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ các nhà máy thủy điện không bao giờ muốn xả lũ trước khi bão về dù được khuyến cáo. Họ không chịu xả lũ sớm vì sợ không đủ nước trong hồ chứa, nhất là dự báo khí tượng không bảo đảm chính xác. Khi mưa lũ lớn hơn năng lực tràn của đập thì họ buộc xả bớt lượng nước trong hồ vâ gây ra hậu quả nặng nề cho hạ lưu.
 
Để miền Trung không còn cảnh mỗi năm một lần chạy lũ và lũ năm sau lại cao hơn năm trước và không lặp lãi mỗi lần dân chết vì lũ lại một lần cãi nhau thì câu chuyện quản lý thủy điện mà lâu dài hơn và rộng lớn hơn là chống lũ cho miền Trung cần được đánh giá và thực thi một cách tổng thể.
 
Theo Vietnamnet