Các đại gia trong giới bất động sản, ngân hàng liên tiếp công bố dự án nông nghiệp như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với dự án dành hơn 20.000 tỷ đồng trồng mắc ca, “bầu” Đức với dự án trồng bắp, nuôi bò.

 

 

Thứ hai, việc áp dụng đơn giản nhất ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện đã có khá nhiều các nghiên cứu cấp cơ sở và quốc gia trên nhiều loại trái cây đem lại thành công bước đầu. Như việc nước ta vừa xuất thành công một số các đơn hàng trái vải qua Mỹ, Úc cũng là nhờ áp dụng công nghệ cao vào trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch qua biện pháp chiếu xạ.

 

Thứ ba là chúng ta cần áp dụng những thành tựu của việc nghiên cứu sinh học vào nông nghiệp. Đây là phương pháp hiện được các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới sử dụng với hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, áp dụng các ứng dụng của công nghệ sinh học hiện vẫn còn rất mù mờ, thiếu đầu tư đúng mức để cho ra đời những giống cây trồng biến đổi gien (GMO - genetically modified organism) có năng suất, sức chống chịu cao. Có một thực trạng diễn ra từ lâu là việc các đề tài sau khi nghiệm thu mãi vẫn không thấy có sản phẩm ứng dụng cho nông nghiệp.

 

* PV: Vì sao Việt Nam còn yếu về việc áp dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn?

 

- TS. Nguyễn Phương Thảo:

 

Đó là cái yếu trong cơ chế quản lý. Dù hiện nay Nhà nước đã bắt đầu hình thành cơ chế cho các nhà khoa học nghiên cứu nhưng vẫn chưa thật sự được nhà đầu tư, người nghiên cứu, người dân biết đến. Nhà đầu tư lại rất cẩn thận, lo ngại về “đầu ra” của công trình nghiên cứu dẫn đến thu hút đầu tư cũng ít đi. Điều này khiến quãng đường từ nghiệm thu đề tài đến ra sản phẩm vẫn còn gian nan.

 

Công nghệ sinh học không chỉ có chuyển gien, những phương pháp cơ bản như nuôi cấy mô (tissue culture) cũng có thể được áp dụng để rút ngắn thời gian trồng, thời gian nghiên cứu đến vài chục lần. Tuy nhiên, những ứng dụng này mới chỉ được áp dụng hạn chế, chủ yếu các đề tài vẫn còn tập trung nhiều trên cây kiểng như phong lan.

 

Hiện tại nước ta đã bắt đầu cho phép nhập khẩu một số các giống cây biến đổi gien. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các giống cây này cũng có điểm hạn chế là tính đặc hiệu sẽ kém do thổ nhưỡng từng quốc gia khác nhau, dẫn đến việc dễ sản sinh các loại sinh vật hại đột biến. Nếu chúng ta phân lập quần thể từ Việt Nam thì nó sẽ đặc hiệu hơn, tính chống chịu cao hơn đối với các loại côn trùng gây hại cơ hữu tại nước ta.

 

* PV: Lợi ích của việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mà trọng tâm là việc sử dụng các giống cây trồng biến đổi gien là gì?

 

- TS. Nguyễn Phương Thảo:

 

Hiện không đâu trên thế giới không có cây trồng biến đổi gien. Lấy ví dụ về cây bông gòn (cotton), giống cây này được chuyển gien để chống sâu đục thân hiện diện trên khắp thế giới. Hay về cây đậu nành, chúng ta nhập đến 93% nhu cầu, chỉ có 7% là sản xuất trong nước, hầu hết đậu tương này là sản phẩm biến đổi gien và chúng ta đã nhập từ những năm 2000 cho đến nay. Rất nhiều người dân vẫn chưa nhận ra được chúng ta đã sử dụng các sản phẩm của ngành công nghệ sinh học từ rất lâu.

 

Ngoài ra, không phải tự nhiên mà người dân của các nước tiên tiến hiện đang tiêu thụ chính sản phẩm nông nghiệp biến đổi gien từ các công ty lớn như Monsanto, Syngenta. Đó là do các mặt hàng này có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm thông thường cùng loại. Chúng ta cần nhìn nhận thực phẩm biến đổi gien là xu hướng chung của thế giới không phải chỉ do vấn đề giá thành mà đây là biện pháp hữu hiệu nhất đến thời điểm này để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

 

* Xin cảm ơn bà về buổi trao đổi này.

 

Theo Người tiêu dùng

.