Nhiều ông lớn ngành địa ốc đang có động thái đẩy mạnh đầu tư vào những dự án bất động sản giải trí đa chức năng, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

 


Ông Nghĩa nhận định, trên thực tế, bất động sản giải trí đã hình thành trong lòng các đô thị lớn hoặc nằm ở rìa thành phố. Điển hình như ở TP HCM có sự phục vụ của các dự án giải trí: Đầm Sen, Suối Tiên, xa hơn một chút là Đại Nam, trước đó còn có những công viên nước, trường đua...

Các tỉnh dọc theo miền Trung và miền Nam phát triển mạnh du lịch cũng đã manh nha xu hướng đầu tư vào các dự án giải trí như: Bà Nà Hill, Vinpearl Land, vườn thú Safari. Phía Bắc có casino dành cho khách quốc tế. Các địa phương cũng không ngại tự bỏ ra kinh phí tổ chức những sự kiện giải trí: pháo hoa Đà Nẵng, hoa đăng Hội An, lễ hội hoa Đà Lạt... để kích cầu du lịch và tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, xét trên tổng thể, thị trường bất động sản giải trí vẫn còn lỗ hổng khá lớn, trừ những đại gia trường vốn có thể vận hành tốt ngay từ đầu và không ngừng nâng cấp sản phẩm, các dự án còn lại khá đơn điệu và bị thách thức tính bền vững. Điểm yếu của các dự án bất động sản giải trí tại Việt Nam là còn quá ít nhà đầu tư tham gia, chưa đa dạng các loại hình giải trí và chỉ đánh vào phân khúc người giàu hoặc khách quốc tế.

Ông Nghĩa cho rằng để bất động sản giải trí có thể phát triển mạnh và vươn xa xứng tầm khu vực, cần có sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố: du lịch, giải trí và văn hóa. Bên cạnh đó cũng cần có sự cộng hưởng giữa hai bộ phận: tư nhân và nhà nước. Theo đó, không nên để doanh nghiệp đơn độc phát triển các dự án bất động sản giải trí mà cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách cũng như định hướng chiến lược.

"Nhà nước cần tạo thêm các sân chơi đậm tính văn hóa đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia thị trường này", ông nói.
 

Theo vnexpress

.