Nợ trên 2.277 tỷ đồng, Hoàng Quân dính 'bê bối' với dòng căn hộ Cheery
Cập nhật lúc 15:13, Thứ sáu, 30/01/2015 (GMT+7)
Từng một thời "đình đám" với dòng căn hộ Cheery Apartment, nhưng thương hiệu Cheery của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) đến nay chưa có sản phẩm nào hoàn thiện và gắn với nhiều tai tiếng. Hoàng Quân sau những vụ công bố thông tin M&A dự án đang trở thành nỗi ám ảnh đối với khách hàng. ( căn hộ Cherry, địa ốc, Công ty Hoàng Quân)
Từng một thời “đình đám” với dòng căn hộ Cheery Apartment, nhưng thương hiệu Cheery của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) đến nay chưa có sản phẩm nào hoàn thiện và gắn với nhiều tai tiếng. Hoàng Quân sau những vụ công bố thông tin M&A dự án đang trở thành nỗi ám ảnh đối với khách hàng.
Báo cáo tài chính quý 3/2014 của Công ty Hoàng Quân cho biết, công ty này có số nợ phải trả hơn 2.277 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 1.303 tỷ đồng và nợ dài hạn trên 973 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính quý 3/2014 của Công ty Hoàng Quân, công ty có hàng tồn kho trên 900 tỷ đồng, tăng 289,4 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Các khoản phải thu hơn 1.253 tỷ đồng, trong khi tiền mặt chỉ còn trên 12 tỷ đồng.
Mặt khác, báo cáo tài chính quý 3/2014 của Công ty Hoàng Quân cho thấy sự sa sút các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2014 chỉ đạt hơn 2,7 tỷ đồng trong khi quý 3/2013 đạt trên 99,2 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 5,5 tỷ đồng trong khi quý 3/2013 là trên 15,1 tỷ đồng, giảm 64,6%; lũy kế 9 tháng đầu năm cũng đạt gần 10,5 tỷ đồng, giảm 62,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận quý 3/2014, ngày 4/11/2014, Công ty Hoàng Quân có công văn giải trình số 289/CVGT-HQC/2014, gửi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lợi nhuận quý 3/2014 có giảm so với quý 3/2013 là do từ năm 2013, Công ty Hoàng Quân tiên phong chuyển hướng qua đầu tư và kinh doanh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở xã hội thương mại giá rẻ. Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn đầu tư, thi công, xây dựng dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng, ghi nhận doanh thu vào cuối năm 2014, 2015 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, trong quý 3/2014, doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm so với quý 3/2013 là do Công ty đã thương lượng lại việc tính lãi đối với các khoản công nợ chậm thanh toán đồng thời công ty đã cơ cấu lại được các khoản vay với lãi suất thấp hơn so với quý 3/2013”.
Trước đó, báo cáo tài chính giữa niên độ 6 tháng đầu năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2014 của Công ty Hoàng Quân cho biết, công ty này không chỉ dùng tài sản của công ty mà còn huy động cả tài sản cá nhân của HĐQT ra thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Trong đó, “Khoản vay SeABank được thực hiện theo hợp đồng vay số 1046/HĐTD-TDH ngày 24/8/2010 để tái cơ cấu tình trạng thâm hụt vốn lưu động để công ty tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản. Khoản vay này được đảm bảo bằng việc thế chấp tài sản cá nhân của các thành viên HĐQT, tài sản của công ty và các công ty có liên quan bao gồm các quyền sử dụng đất, tài sản trên đất hình thành trong tương lai”.
Quyền sử dụng đất của dự án nhà ở xã hội HQC Plaza cũng là tài sản được mang ra thế chấp cho khoản vay trên 276 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Riêng đối với khoản vay tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, doanh nghiệp này cho biết: “Số tiền được dùng để bổ sung vốn lưu động. Khoản vay được đảm bảo bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất của công ty”.
Trong đó, SeABank trên 75,2 tỷ đồng, BIDV trên 310,9 tỷ đồng, Agribank trên 44,6 tỷ đồng và Sacombank trên 13 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng các khoản vay và nợ dài hạn tại SeABank, BIDV, Agribank và Sacombank theo báo cáo tài chính quý 3/2014 giai đoạn đến cuối tháng 9/2014 là gần 444 tỷ đồng.
Theo Đời sống & Tiêu dùng
.