Đến hết 2015, nợ công của Việt Nam đã tương đương 62,2% GDP, trong khi tốc độ tăng nợ cũng cao gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm.

Tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công giai đoạn 2016-2020, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, nợ công tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4% một năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

“Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép”, Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý.

Theo Uỷ ban này, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp, song trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Do đó, nếu quản lý không chặt chẽ, các khoản này sẽ tạo thêm áp lực cho ngân sách.

 

 Đến hết năm 2015 nợ công đã đạt ngưỡng 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2%GDP.
Đến hết năm 2015 nợ công đã đạt ngưỡng 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2%GDP.


Cơ quan này do đó đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về mức dư nợ công sau khi tính cả các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách. Đồng thời, cung cấp số liệu liên quan đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; số đã chuyển từ nợ dự phòng thành nợ chính thức…

Trong lúc nợ công đang có dấu hiệu tăng nhanh thì tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách cũng đã vượt ngưỡng 25%, lên khoảng 27,4% năm 2015.

“Vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ”, báo cáo thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội nhận xét.

Báo cáo cũng chỉ ra những “địa chỉ” cụ thể cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. “Những khoản nợ này đã tác động trực tiếp tới các chỉ tiêu giới hạn nợ công”, báo cáo nêu.

Đơn cử, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn ngân sách Nhà nước cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55.400 tỷ đồng; hay ngân sách phải ứng trả thay khoản nợ của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC, trước đây là Vinashin – PV) 63.200 tỷ đồng trong 10 năm tới…

Dự báo nợ công sẽ căng thẳng trong thời gian sắp tới khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có chính sách hướng các nguồn đầu tư trong 4 năm tới, cũng như quản lý vốn ODA để nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn nợ công.
 

Theo Anh Minh/VnExpress

.