Thời gian gần đây, trên địa bàn của một số quận, huyện ngoại thành của TP. Hà Nội, hệ thống đê điều đang bị lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng, vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Gần đây, hiện tượng sạt lở đất ở quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Ba Vì, Đan Phượng… đã gióng lên hồi chuông báo động.

 


Đa số các trường hợp vi phạm này đều chưa bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý kiên quyết, triệt để nên chỉ sau một thời gian ngắn lại tái diễn ngày càng quy mô và nghiêm trọng hơn. Anh Trịnh Hoàng Nam, một người dân sống gần đó cho biết: “Chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị khai thác dừng việc hút cát dưới lòng sông, sau đó có tiến hành xử phạt hành chính. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã cử người về triệu tập các chủ thuyền nói trên đến xử phạt răn đe. Thế nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng khai thác cát, sạn trái phép lại tiếp diễn, thậm chí còn có quy mô hơn trước rất nhiều”.

Thực tế thời gian gần đây đã xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng như đoạn đê thuộc phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) và nhiều vụ sạt lở trên bãi sông Hồng, sông Đuống đe dọa đê điều và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội khẳng định: hiện nay có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 470km, trong đó có 37,7 km đê hữu Hồng. Từ đầu năm đến nay, trên hệ thống đê xuất hiện 28 sự cố sạt lở ở 41 vị trí khác nhau trên các tuyến đê sông, trong đó tuyến đê sông Hồng nhiều nhất có 14 sự cố.

Cần xử lý triệt để, dứt điểm

Phạm vi, mức độ xâm hại đê điều ngày càng nghiêm trọng nhưng công tác xử lý vi phạm lại gặp rất nhiều khó khăn, số lượng vi phạm xử lý dứt điểm ít, còn nhiều tồn đọng. Nhiều vi phạm phát sinh có tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê từ đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT thì từ năm 2008 đến tháng 4/2012 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tổng cộng hơn 1.616 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 741 vụ, còn tồn đọng 875 vụ. Riêng  đầu năm 2012 đến nay, Hà Nội phát sinh hơn 100 vụ vi phạm. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn trên là do chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, chưa thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. Việc thực thi các quyết định, văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa có tính răn đe. Thậm chí một số địa phương, đơn vị còn cho phép thực hiện các hoạt động trên hành lang bảo vệ đê không đúng thẩm quyền. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát còn mang tính hình thức nên việc xử lý vi phạm theo kết luận của thanh tra, các quyết định cưỡng chế chưa được thực hiện nghiêm túc. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình hình xâm hại đê điều ngày càng nghiêm trọng nếu cứ chờ đợi các thủ tục cần thiết và sự thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm thì sự an toàn đê điều và tính mạng của người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Giải pháp triệt để nhất trước tình trạng lấn chiếm, xâm phạm hành lang bảo vệ đê đó chính là chính quyền các địa phương phải có những biện pháp mạnh tay, quyết liệt, không né tránh hoặc ngại va chạm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đê điều cũng cần được tăng cường lực lượng, được thẩm quyền ra quyết định đình chỉ, cưỡng chế… đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Có như vậy, tình trạng lấn chiếm, xâm phạm hàng lang bảo vệ đê trên địa bàn TP. Hà Nội mới được thuyên giảm.
 

Mạnh Nghiệp