(BVPL) - Sau một năm thực hiện Luật BHXH sửa đổi tình trạng doanh nghiệp vi phạm chính sách, pháp luật BHXH chưa giảm, việc thực hiện các chế độ BHXH cũng gặp nhiều khó khăn… Đó là những vấn đề đặt ra trong đợt giám sát, kiểm tra thực hiện Luật BHXH tại các tỉnh Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu do Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam thực hiện.
 
Đánh giá công tác thực hiện chính sách BHXH ở một số địa phương, ông Nguyễn Duy Cường- Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Luật BHXH có hiệu lực là cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, mở rộng đối tượng tham gia BHXH thuận lợi hơn. Số đơn vị cũng như người đóng BHXH tăng nhanh, cụ thể sau 10 tháng thực hiện Luật BHXH, số người tham gia BHXH bắt buộc ở Đồng Nai tăng 49.812 người (7,4%), Bà Rịa- Vũng Tàu gần 9.000 người, Tp.Hồ Chí Minh tăng 4,47%.
 
Để đạt được con số đáng ghi nhận đó, theo ông Nguyễn Đăng Tiến-  Phó Giám đốc BHXH Tp.Hồ Chí Minh: Ngay sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHXH, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền chính sách BHXH đến các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn với nhiều hình thức phù hợp. BHXH đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó thông tin đến với các doanh nghiệp những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật BHXH năm 2014. Hàng tuần, căn cứ danh sách doanh nghiệp tăng mới do Sở KH-ĐT thành phố cung cấp, BHXH thành phố trực tiếp mời doanh nghiệp, định kỳ thứ 5 hàng tuần tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký tham gia BHXH lần đầu. Với cách làm này, BHXH TP đã phát triển được 10.463 doanh nghiệp mới với 62.659 lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cơ quan BHXH và Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức 45 cuộc đối thoại, tập huấn đến với các doanh nghiêp có nhiều lao động trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra về tình hình thực hiện pháp luật lao động. Năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 06 cuộc thanh tra, trong đó có 01 cuộc chuyên đề BHXH đối với 15 doanh nghiệp kéo dài. Qua đó, xử phạt hành chính 05 doanh nghiệp với số tiền hơn 67 triệu đồng, kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 150 triệu đồng đối với 01 doanh nghiệp. Phối hợp với BHXH tỉnh, Ban Quản lý các KCN tiến hành kiểm tra 49 đơn vị nợ BHXH với số tiền là 6,4 tỷ đồng. Sau kiểm tra đã có 42 doanh nghiệp thanh toán với cơ quan BHXH,thu hồi được 4,6 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã đề nghị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm có liên quan tới lĩnh vực BHXH 5 đơn vị với số tiền là 96 triệu đồng.
 
Theo đánh giá của BHXH tỉnh Đồng Nai, mặc dù cơ quan này đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ chính sách BHXH cho người lao động nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình né tránh, không nộp BHXH cho người lao động dưới nhiều hình thức. Trong 02 năm 2015-2016, cơ quan này đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh tiến hành kiểm tra chuyên đề về BHXH với 324 doanh nghiệp chậm nộp BHXH, qua kiểm tra các doanh nghiệp đã thực hiện trích nộp được 120 tỷ 705 triệu đồng trên tổng số 257 tỷ 701 triệu đồng. Điều đáng nói, trong số các doanh nghiệp đoàn liên ngành “vào cuộc” có 33 doanh nghiệp đã bị BHXH tỉnh khởi kiện ra tòa nhưng vẫn tiếp tục phát sinh nợ.
 
Đề cập đến việc kiểm tra, thanh tra nợ đọng BHXH trên địa bàn, ông Nguyễn Đăng Tiến  cho biết: Tính đến tháng 10, BHXH thành phố đã kiểm tra 1.972 đơn vị với tổng số nợ BHXH 87,6 tỷ đồng, phối hợp với thanh tra Sở LĐ-TB&XH thanh tra 126 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền là 76,1 tỷ đồng. Kết quả đã thu hồi được 48,6 tỷ đồng, thu hồi chi sai quy định 41 triệu đồng, chốt sổ cho 5626 lao động nghỉ việc, cấp thẻ cho 3.465 người.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai luật BHXH vẫn còn không ít vướng mắc. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH để đạt mục tiêu Nghị quyết 21 và quy định của Luật không dễ dàng. Theo ông Tiến, hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều trường hợp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, cố tình trốn tránh không tiếp các đoàn thanh, kiểm tra; tiến hành giao kết nhiều loại hợp đồng dưới tên gọi hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng khoán nhằm trốn tránh nghĩa vụ trích nộp; vẫn còn tình trạng đóng không đúng với chức danh công việc trong thang bảng lương đã xây dựng thỏa thuận với người lao động; một số doanh nghiệp không tham gia BHXH cho lao động là người nước ngoài.
 
Cùng với đó, tình trạng người lao động không nghỉ ốm, vừa đi làm vừa được đơn vị đề nghị thanh toán chế độ ốm đau vẫn diễn ra. Một số doanh nghiệp tư nhân đã đưa người nhà, người thân vào danh sách tham gia BHXH đủ 06 tháng để hưởng thai, hoặc đơn vị không có phát sinh chi phí tiền lương nhưng có tham gia BHXH cho người lao động, thậm chí doanh nghiệp bố trí những ngày nghỉ luân phiên của người lao động do hết hàng nhưng vẫn đề nghị thanh toán chế độ nghỉ ốm.
 
Ngoài ra, vẫn còn một số khó khăn trong việc thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Ông Tiến dẫn chứng, tại khoản 3 điều 10 thông tư 59/2015/TT-Bộ LĐ-TB&XH có quy định: “Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh con nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết đối với con còn sống. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ được tính theo số con được sinh (thời gian nghỉ việc khi sinh con là 7 tháng), bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu”. Như vậy, người lao động nữ mang thai 2 con tuy nhiên khi sinh con vẫn phải sinh 2 con nhưng có 01 con bị chết lưu. Việc giải quyết chế độ thai sản và thời gian nghỉ thai sản cần quy định thống nhất như là sinh 02 con.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai ông Phạm Văn Công chia sẻ: Tại điều 52 Luật BHXH quy định về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật: “Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng chưa có hướng dẫn quy định cụ thể về tỷ lệ thương tật bao nhiêu là được hưởng và số ngày được nghỉ dưỡng sức tương ứng với tỷ lệ thương tật, bệnh tật.
 
“Việc quy định chế độ tử tuất tại khoản 4, điều 69 Luật BHXH quy định trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân quy định theo Luật BHXH thì trợ cấp 01 lần được thực hiện theo quy định của pháp luật thừa kế. Về nội dung này, hiện nay cơ quan BHXH phải xác nhận người thừa kế theo quy trình, thủ tục như thế nào” ,ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH Đồng Nai đặt câu hỏi.
 
Ngoài ra, Luật BHXH năm 2014 quy định những người hoạt động không chuyên trách thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hàng tháng đóng 22% theo mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí, tử tuất để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như không thuộc đối tượng đóng BH thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này đã gây cho người lao động nhiều bức xúc bởi với cách tính lương hưu theo quy định mới thì đối tượng này khi nghỉ hưu, mức lương thực nhận sẽ dưới mức lương cơ sở. Để tháo gở khó khăn này, các địa phương kiến nghị nên để người lao động tự lựa chọn hình thức tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.
 
Từ những bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHXH, ông Mến khuyến nghị cần xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã giao kết với đơn vị và hưởng đầy đủ các quyền lợi như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở.
 
Với chế độ thai sản, nên nghiên cứu bổ sung văn bản hướng dẫn theo hướng lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì mức hưởng chế độ thai sản, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ được tính theo số con được sinh ra.
 
Đồng thời có biện pháp mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trốn tránh, vi phạm pháp luật BHXH sau khi khởi kiện mà vẫn tái diễn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Điều chỉnh về việc áp dụng tiền lương để tính lương bình quân lương hưu đối với người lao động có tổng thời gian làm việc trong khu vực nhà nước nhiều hơn so với thời gian làm việc tại khu vực ngoài nhà nước trước khi về hưu; xem xét, điều chỉnh về mức lương hưu đối với người đã về hưu trước ngày 01/01/1995 so với mức lương tối thiểu vùng. Vì những đối tượng này phần lớn đã trên 80 tuổi, thời gian thụ hưởng chính sách không còn nhiều.
 
Đề nghị bỏ quy định không có khả năng hồi phục trên biên bản giám định khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên khi giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần. Bổ sung văn bản hướng dẫn quy định trước trong công tác thẩm định, rà soát hồ sơ tính thời gian làm việc trong khu vực nhà nước đã nghỉ việc hoặc bị gián đoạn công tác trước ngày 01/01/1995 nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần để hưởng chế độ BHXH, xem xét bổ sung hướng dẫn cụ thể hoặc có chính sách hỗ trợ cho người lao động có thời gian đi hợp tác lao động nước ngoài học nghề sau đó ở lại nước đó làm việc trước ngày 01/01/1995, trường hợp hồ sơ bị thất lạc hoặc bị mất, hủy hoại nhưng không có điều kiện liên hệ Cục quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ LĐ-TB&XH xin giấy xác nhận để nộp cho cơ quan BHXH theo quy định./.
 
Thu Hương