Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 có mở rộng ra vùng phụ cận Thủ đô Hà Nội. Phạm vi lập điều chỉnh Quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thủ đô Hà Nội (bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn), diện tích tự nhiên khoảng 3.344,47 km2.
Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 150 - 160 lít/người ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 90 - 100% với tiêu chuẩn dùng nước 120 - 140 lít/người ngày; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90 - 100% với tiêu chuẩn dùng nước 100 - 110 lít/người ngày; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm đến năm 2020 đạt dưới 18%; đến năm 2030 đạt dưới 15%.
Nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch gồm: Điều tra, thu thập số liệu và đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; cập nhật số liệu hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng; xác định mật độ dân cư hiện tại và dự báo tăng trưởng dân số của các khu đô thị, vùng ven đô và nông thôn.
Bên cạnh đó, điều tra, thu thập các tài liệu quy hoạch liên quan. Cụ thể, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch xây dựng; quy hoạch vùng thủ đô; các quy hoạch ngành liên quan (quy hoạch thủy lợi, giao thông, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, công nghiệp...); điều tra, thu thập tài liệu hiện trạng về nguồn nước mặt, nước ngầm: Lưu vực nguồn nước, công suất, chất lượng nguồn nước hiện đang khai thác trên địa bàn thành phố Hà Nội và các khu vực liên quan, các tài liệu về tác động của biến đổi khí hậu đối với việc khai thác nước ngầm, nước mặt.
Đồng thời, điều tra, thu thập báo cáo, tài liệu hiện trạng về các nhà máy cấp nước đô thị, trạm cấp nước nông thôn, mạng lưới đường ống cấp nước, áp lực nước, tỷ lệ cấp nước, tỷ lệ thất thoát thất thu trên địa bàn thành phố; điều tra thu thập tài liệu hiện trạng về mô hình tổ chức quản lý nhà nước, về tổ chức quản lý vận hành, năng lực và trang thiết bị của các đơn vị quản lý hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn trên địa bàn thành phố.
Tổng hợp, phân tích và đánh giá tổng thể thực trạng, ô nhiễm nguồn nước, diễn biến trữ lượng nước và chất lượng các nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các nguồn nước mặt khác theo định hướng quy hoạch vùng thủ đô đã được duyệt để làm cơ sở đề xuất phương án quy hoạch nguồn nước phù hợp, đảm bảo việc bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Nghiên cứu khả năng khai thác của nguồn nước ngầm để điều chỉnh, bố trí hợp lý vị trí, lưu lượng khai thác của các bãi giếng.
Tổng hợp, phân tích và đánh giá hiện trạng hệ thống cấp nước bao gồm: Nhà máy nước, các công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp truyền tải, phân phối đối với khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn. Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức quản lý cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực cấp nước.
Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch cấp nước đã được duyệt với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thực tiễn của Thủ đô, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước hiện hành; các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đã và đang triển khai, thuận lợi, khó khăn; đề xuất điều chỉnh Quy hoạch cấp nước toàn Thành phố, bao gồm cấp nước cho khu vực đô thị kết hợp nông thôn thành phố Hà Nội.
Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước bao gồm: Xác định mối quan hệ vùng về cấp nước; xác định chỉ tiêu cấp nước, nhu cầu dùng nước phù hợp cho các đối tượng dùng nước khu vực đô thị, nông thôn và khu công nghiệp; phân tích và lựa chọn nguồn cấp nước, phân vùng, khu vực cấp nước; xác định vị trí, quy mô, công suất các nhà máy nước, mạng lưới đường ống truyền tải chính và đường ống truyền tải; nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các phương án phát triển các dự án cấp nguồn phù hợp để đảm bảo cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, điều chỉnh phạm vi cấp nước của các nhà máy nước quy mô lớn cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của Thủ đô; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các công trình cấp nước phù hợp cho từng giai đoạn quy hoạch; đề xuất các quy định bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước; đề xuất các giải pháp tổ chức và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch; đề xuất các giải pháp nhằm thu hút xã hội hóa trong việc đầu tư và phát triển hệ thống cấp nước...
PV