Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài khoảng 700km. Con đường này đi qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. 

Hàng loạt văn bản đôn đốc yêu cầu sửa chữa

Riêng đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk có chiều dài hơn 120km với mức vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 46 (thuộc Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Công trình đã được hoàn thành và bàn giao cho Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) III đưa vào khai thác từ tháng 9/2016 đến nay.

Tuy nhiên, mới hơn 1 năm đưa vào khai thác, sử dụng, mặt đường bê tông nhựa của đoạn đường này đã phát sinh hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ gà, sụt lún, nứt, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Trước tình trạng đó, Cục QLĐB III đã có hàng loạt văn bản đôn đốc gửi Ban Quản lý dự án 46 (BQL dự án 46) đề nghị chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa, khắc phục các điểm hư hỏng để đảm bảo chất lượng công trình và đảm bảo an toàn giao thông (Văn bản số 1679/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 18/9/2017, Văn bản số 2147/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 20/11/2017 và Văn bản số 2326/CQLĐBIII-QLBTĐB ngày 11/12/2017).

Tuy nhiên, đến nay, việc sửa chữa mặt đường này của các nhà thầu chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, đối với đoạn tuyến do Công ty CP 482 thi công, mặt đường hư hỏng nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông nhưng nhà thầu vẫn chậm khắc phục.

Tại thời điểm PV có mặt tại hiện trường, đơn vị thi công thuộc Công ty Đông Hưng đang sửa chữa mặt đường. Một người xưng là Tổ trưởng Tổ thi công cho biết, đơn vị được Công ty CP 482 thuê làm nhiệm vụ đi vá ổ gà những đoạn hư hỏng trên tuyến đường này.

leftcenterrightdel
Một đoạn đường đã được cắt ra gần hết bề mặt. 

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Mặc dù trước đó đã có hàng loạt văn bản đề nghị chủ đầu tư khẩn trương khắc phục những điểm đường hư hỏng, đảm bảo về chất lượng cũng như kỹ thuật thiết kế nhưng đến ngày 06/4/2018, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, hiện trường vẫn chưa được nhà thầu sửa chữa, khắc phục, một số vị trí đã sửa nhưng có hiện tượng hư hỏng lại… Ngoài ra, lo ngại hơn là tại một số vị trí bị hư hỏng, nhà thầu thi công đã đào bỏ kết cấu mặt đường cũ nhưng chưa hoàn trả và không có biện pháp cảnh báo, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, Chi cục QLĐB III.5 (thuộc Cục QLĐB III) cũng đã có nhiều văn bản (như: Văn bản số 235/CCQLĐB III.5 ngày 22/8/2017, Văn bản 358/CCQLĐB III.5 ngày 29/12/2017, Văn bản 47/CCQLĐB III.5 ngày 9/02/2018) đôn đốc BQL dự án 46 chỉ đạo các nhà thầu phải có trách nhiệm bảo hành, sửa chữa, khắc phục những điểm hư hỏng trên của gói thầu.

Tiếp tục đến ngày 9/4/2018, Chi cục QLĐB III.5 có Văn bản số 111/CCQLĐBIII.5 gửi BQL Dự án 46 về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình gói thầu Đ35 đường Trường Sơn Đông, đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Văn bản nêu rõ: Để đảm bảo an toàn giao thông bền vững trong quá trình khai thác, sử dụng, đề nghị BQL dự án 46 khẩn trương chỉ đạo nhà thầu khắc phục. Nếu công tác khắc phục sửa chữa không kịp thời, làm mất an toàn giao thông hoặc để xảy ra tai nạn giao thông trên đoạn tuyến trên thì nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chính Cương