(BVPL)-Trong vòng 10 năm, TP. Hà Nội liên tục thay đổi, điều chỉnh quyết định hình thức đầu tư đối với dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, khiến nhà đầu tư loay hoay trở tay không kịp…
|
Khu vực kênh mương Phan Kế Bính được cống hoá nhằm mục đích làm bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ. |
Như chúng tôi đã phản ánh trong kỳ trước: Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi để xe ô tô, dịch vụ và công trình phụ trợ tại phường Cống Vị, quận Ba Đình được UBND TP. Hà Nội giao cho Cty Đa Quốc Gia làm nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi và cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, thời gian thực hiện 20 năm (đến năm 2028) với phương thức xã hội hóa. Sau khi đầu tư, Cty Đa Quốc Gia được quyền quản lý, khai thác dự án vào mục đích kinh doanh để thu hồi vốn đã đầu tư.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư UBND TP. Hà Nội cấp cho Cty Đa Quốc Gia năm 2008, tại khu đất của Dự án, Cty Đa Quốc Gia được xây dựng công trình 2 tầng trên diện tích 1230 m2, tổng diện tích sàn 2460 m2, mật độ xây dựng 20%, hệ số sử dụng đất 0,4 lần; diện tích cây xanh 900 m2, diện tích đỗ xe và giao thông nội bộ 3920 m2.
Khi Dự án đang được triển khai theo đúng kế hoạch thì ngày 14/5/2010, UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản số 3397/UBND-TNMT về việc chỉ đạo sau thanh tra dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Theo đó, UBND TP. Hà Nội “giao Sở KH-ĐT chủ trì cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, có phương án trình UBND thành phố theo hướng cho phép Công ty cổ phần Đa Quốc Gia chuyển từ chủ đầu tư Dự án xây dựng mở rộng đường Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe sang làm chủ đầu tư Dự án xây dựng mở rộng đường Phan Kế Bính theo hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT)”.
Ông Dũng- đại diện Cty Đa Quốc Gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội, Cty đã tạm dừng thi công và chờ đợi quyết định cuối cùng về số phận dự án (theo hướng BT). Suốt từ năm 2010 đến năm 2015, Cty đã nghiên cứu khảo sát để mở rộng đường và chờ quy hoạch chính thức; tuy nhiên, sau đó dường như dự án bị “lãng quên”. Mãi đến ngày 23/11/2016, Cty Đa Quốc Gia mới nhận được văn bản số 6759/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cty tập hợp toàn bộ hồ sơ, tính toán toàn bộ giá trị công trình, trong đó xác định rõ từng phần công việc, nội dung chi phí hợp pháp… để sở Tài chính thẩm định, báo cáo thành phố xem xét, quyết định (theo hướng không thực hiện dự án BT). Việc không tiếp tục thực hiện dự án BT có nhiều lý do, trong đó có việc phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, hình thức đầu tư của dự án này đã bị thay đổi nhiều lần, từ BOT (2008- 2010), BT (2010- 2016) và giờ đây lại không BT nữa. Trên thực tế là, dự án đã dừng thi công suốt từ năm 2009 đến 2016; TP. Hà Nội chỉ cho phép Cty thực hiện chống dột chống sập đối với một số hạng mục công trình. “Nguyên nhân dự án đến nay vẫn chưa hoàn công được và kéo theo hàng loạt các hệ lụy, về việc này hoàn toàn không phải do lỗi từ chủ đầu tư.”- ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cho biết, từ 2010 đến nay Cty chỉ được “tạm khai thác” với mục đích để bảo trì bảo dưỡng thiết bị và đảm bảo an sinh xã hội cho cán bộ công nhân viên. Trong khi đó, một nguồn lực khá lớn đã bỏ ra để thực hiện dự án nhưng khả năng thu hồi là vô cùng mong manh, chưa nói đến việc trả lãi suất và các chi phí phát sinh từng ngày… Thực tế là phố Phan Kế Bính không còn là “mương thối” như trước đây nữa, hiện nay cảnh quan môi trường đã trở nên sạch đẹp và nhiều cây xanh… Những tiện ích đó, dân cư khu vực đang được hưởng lợi còn phía nhà đầu tư chưa biết đi về đâu…
Mong muốn của Cty Đa Quốc Gia là sớm có quy hoạch chi tiết mở rộng đường Phan Kế Bính, trên cơ sở đó, Cty mong muốn được tiếp tục thực hiện Dự án BT mở rộng đường Phan Kế Bính đồng thời xây dựng toàn bộ diện tích đất ô số 1 và ô số 2 (đoạn từ Linh Lang đến Nguyễn Văn Ngọc) làm bãi đỗ xe thông minh với sức chứa khoảng 450- 500 xe. “Diễn biến kéo dài của Dự án là do lịch sử để lại, Cty mong Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện dự án theo hướng BT và cũng để báo chí không còn đưa những thông tin lệch lạc về dự án”- ông Dũng nói.
Nhóm PV