Đổ tiền vào chung cư từ cuối năm 2010 đến nay, giới buôn địa ốc bắt đầu thấm mệt và "mất lửa". Giữa lúc thị trường căn hộ đói vốn, trầm lắng, thậm chí bị rớt giá, nhiều người không còn kiên nhẫn chờ qua cơn bĩ cực.
Lăn lộn mua đi bán lại căn hộ được 8 năm, chị Hoàng Lệ Khanh (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết: "So với giai đoạn bất động sản khủng hoảng 2008-2011, năm nay thị trường suy giảm tính thanh khoản mạnh và trầm lắng sâu nhất. Giá căn hộ công bố sau lại rẻ hơn sản phẩm trước khiến tôi chán nản, không muốn đầu tư".
Chị Khanh cho biết, năm 2010 chị mua căn hộ dự án tại quận Thủ Đức giá 17 triệu đồng mỗi m2. Song đầu quý II năm nay, chị hay tin nhiều căn cùng dự án lại được rao bán với giá 13-14 triệu đồng mỗi m2. "Lãi suất vay hiện nay 22-24% một năm không kham nổi đã đành, căn hộ bán sau lại có giá rẻ hơn, chẳng khác nào càng đầu tư càng lỗ. Tình thế này tôi gửi tiết kiệm có lợi hơn bỏ tiền vào căn hộ", chị Khanh nhận xét.
Nhà đầu tư Lý Quốc Định (ngụ quận 11, TP HCM) nắm trong tay nhiều căn hộ trong các dự án thuộc quận 2, 7, 8, Thủ Đức... cũng ngao ngán xả hàng trong quý II. Anh Định đang rao bán căn hộ Thủ Thiêm Xanh quận 2 và Chánh Hưng quận 8 nhưng các thương vụ cứ trầy trật mãi chưa xong. "Tìm người mua lúc này rất khó vì niềm tin của khách hàng suy giảm, lãi suất lại cao. Thêm vào đó, bán lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân càng khiến tôi ngán ngại", anh Định nói.
|
Các dự án căn hộ ở khu Đông TP HCM đang nổ ra cạnh tranh khốc liệt về giá. Ảnh: Vũ Lê. |
15 năm đầu tư bất động sản, anh Ngô Xuân Cường đưa ra bài toán khiến anh quay lưng với phân khúc căn hộ cao cấp. Nhà đầu tư này phân tích, căn hộ tại trục đường Nguyễn Hữu Thọ quận 7 có giá 1.600-2.500 USD mỗi m2, nếu mua 1.600 USD mỗi m2 (chừng hơn 33 triệu đồng) thì nhà 100 m2 giá cũng trên 3,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, đất Kênh Tẻ cũng nằm gần trục đường này trung bình 30-45 triệu đồng mỗi m2, nếu mua với giá 30 triệu đồng mỗi m2 thì mảnh đất 100 m2 đến 3 tỷ đồng. Cần nhà thì thêm khoảng 1 tỷ đồng xây dựng, vị chi đầu tư 4 tỷ đồng có đất và nhà, sử dụng và sở hữu lâu dài. "So với 3 năm qua, giá căn hộ có dấu hiệu suy giảm còn giá đất thì tăng hàng năm. Bài toán này khiến rất nhiều nhà đầu tư lắc đầu với căn hộ", anh Cường cho hay.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc một công ty địa ốc tại TP HCM phân tích: "Lý do chính khiến nhà đầu tư địa ốc quay lưng với căn hộ vì chỉ số niềm tin suy giảm, bắt nguồn từ việc đầu tư không có lợi nhuận trong một thời gian dài".
Ngoài ra, theo chuyên gia này, nguồn cung căn hộ (bao gồm đang và sẽ thi công) quá nhiều, trong đó có cả những dự án căn hộ siêu sang công bố nhà mẫu từ hai năm qua nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Điều này càng góp phần khiến nhà đầu tư không mặn mà với căn hộ như trước nữa.
|
Một dự án căn hộ ở quận 7, TP HCM đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Vũ Lê. |
Thêm vào đó, ông cũng cho rằng, sản phẩm thay thế là đất nền đang lấn lướt căn hộ vì giá trị và lợi nhuận bền vững hơn. Tâm lý người Việt Nam chuộng đất nền, thích nhà phố hơn là căn hộ chung cư cũng khiến nhà đầu tư thờ ơ với căn hộ chung cư.
Giới đầu tư, kinh doanh bất động sản cho rằng, cơ quan chức năng cần phân biệt và có cách đánh thuế kinh doanh căn hộ khác với kinh doanh đất nền. Theo đó, đơn vị phát triển dòng sản phẩm căn hộ chung cư sẽ chịu thuế thấp hơn đất nền để góp phần làm giảm giá thành căn hộ, khuyến khích và hỗ trợ người mua nhà nhiều hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho hay, Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ có lộ trình giảm bớt tình trạng thắt chặt tiền tệ để giảm dần lãi suất cho vay. Bởi lẽ với mức lãi suất hiện nay không doanh nghiệp bất động sản nào có thể vay để kinh doanh trong lúc này. Nguồn vốn vay của ngân hàng hiện là kênh tài chính chính quy, an toàn nhất cho doanh nghiệp. "Với chính sách lãi suất hiện nay thậm chí nhiều người cũng không muốn đầu tư", ông Châu cho hay.
Các chuyên gia bất động sản dự báo, sáu tháng cuối năm 2011 thị trường căn hộ TP HCM sẽ vô cùng khó khăn nếu tình hình thắt chặt tín dụng bất động sản và cho vay phi sản xuất không được nới lỏng. "Sẽ có không ít doanh nghiệp gục ngã vì mất kiểm soát về tài chính do đáo hạn nợ ngân hàng", một chuyên gia địa ốc nhận xét.
Theo vnexpress.net