Gần một tuần sau Hôi nghị sơ kết ngành ngân hàng, đồng loạt các nhà băng lớn, nhỏ đã “ra quân” kéo lãi vay cũ về 15% như yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 


Theo Chủ tịch HĐTV NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo, lãi suất vay 15% sẽ được NH này áp dụng với tất cả các khoản vay các khách hàng vay sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh. Riêng với 4 nhóm tín dụng thuộc diện ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa), mức lãi suất được áp dụng là 13%/năm. Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết, mức lãi suất giá rẻ 15%/năm chỉ được áp dụng cho các DN có khả năng trả nợ.

Tương tự, một NH lớn khác là Vietinbank cũng đã công bố sẽ kéo lãi vay của các khoản nợ cũ về mức 15% theo chỉ đạo của NHNN. Ngoài ra, với các DN đáp ứng đủ yêu cầu của Vietinbank cũng sẽ được vay vốn lưu động với lãi suất 11-12%/năm. Trong những trường hợp cụ thể, có thể áp dụng chính sách miễn lãi 100%, thậm chí bán nợ với tỷ trọng khoảng 50 - 60% khoản nợ gốc...

“Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn của Vietinbank ở mức 11-13%/năm, hầu hết là 12%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 15%/năm. Chúng tôi cam kết nếu DN có chiến lược kinh doanh tốt, tiềm năng thì chắc chắn có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất 10% - 11,5%/năm” – Chủ tịch Vietinbank quả quyết.

Ông Hùng cũng cho rằng, vấn đề thiếu vốn của DN và tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua là do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn của DN, đây cũng là khó khăn chung của nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua Vietinbank hiện nay tập trung đẩy mạnh tín dụng, dành hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên, cơ cấu lại nợ cho các DN…

“Cán bộ tín dụng của Vietinbank đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các DN có nợ tồn đọng lâu để tìm ra hướng giải quyết tháo gỡ, xử lý khó khăn cho khách hàng vay. Nhiều DN đến nay nợ quá hạn lớn nên các NH cũng rất dè chừng khi quyết định cho vay tiếp” – ông Hùng thông tin và nhấn mạnh, đây là thời cơ tốt để các DN tự cơ cấu lại chiến lược kinh doanh và hoạt động của mình.

Trước đó, “ông lớn” khác là Vietcombank đã công bố từ ngày 15/7 mức trần lãi suất đầu ra đối với các khoản vay cũ đối với các khách hàng vay sẽ được đưa về mức 15%/năm.

Thực tế, theo phản ánh của các DN cũng như Hiệp hội DN, hiện mức lãi suất phổ biến mà các DN vẫn đang phải chịu đựng là 17-18%, thậm chí vẫn có những DN phải vay với mức lãi 20%/năm, nên việc giảm lãi vay các khoản nợ cũ về 15% được coi là tín hiệu “cứu cánh” cho các DN trong thời điểm hiện nay.

Về phía các nhà băng, hầu hết đều cho biết, doanh thu và lợi nhuận sẽ sụt giảm nhưng đây là việc chắc chắn phải làm, bởi nhà băng chẳng ai muốn “ôm bom” nợ quá hạn. Và, giảm lãi vay để DN có khả năng trả nợ NH cũng là “NH tự cứu lấy chính mình”.

Tính toán của Agribank cho thấy, với việc áp mức lãi suất tối đa 15%/năm nói trên thì dự kiến doanh thu lãi vay của ngân hàng này sẽ giảm tới khoảng 4.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sau các đợt chủ động giảm lãi suất, doanh thu lãi tiền vay cũng đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng.

Không tiết lộ con số doanh thu sẽ sụt giảm do đưa lãi vay nợ cũ về 15%, nhưng ông Hùng cũng cho biết, chắc chắn lãi của NH sẽ bị ảnh hưởng.

Còn đối với “ông lớn” khác là Vietcombank, dự kiến việc giảm lãi suất vay cũng sẽ khiến nhà băng này “hụt” khoảng 1.800 tỷ đồng doanh thu lãi tiền vay trong năm 2012.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, dù hơi chậm nhưng việc NHNN yêu cầu các NH kéo ngay lãi suất về 15% là động thái tốt, cho thấy sự sẻ chia của NH đối với DN, tránh dư luận cho rằng NH "ăn đong" trên lưng DN suốt thời gian qua.

“Nhưng giảm lãi vay về 15% chỉ áp dụng với các khoản vay “đắt” trước đó mà DN đã phải vay 17-18%, còn so với mức trần huy động là 9% thì mức vay 15% vẫn tạo ra mức lợi nhuận gấp đôi cho các NH”- ông Phong bình luận. Vì thế, theo chuyên gia này, để đảm bảo lợi ích của các NH và DN, phù hợp với sức chịu đựng của DN, thì mức trần lãi vay chỉ nên ở mức 12-13%/năm.

Theo Infonet

.