Thời gian gần đây, sản phẩm tại nhiều dự án được giao dịch thành công. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Với các đơn vị tư vấn, sàn giao dịch nhà đất, sau một thời gian dài cắt giảm nhân sự, nay lại rốt ráo đăng tuyển nhân viên kinh doanh.
Tuy nhiên, lãnh đạo các sàn đều cho biết, kế hoạch tuyển nhân viên của họ được tính toán và có chiến lược lâu dài chứ không tuyển theo kiểu lao động thời vụ.
Hai mặt của vấn đề
Thời đỉnh điểm của thị trường BĐS trước đây, nhân viên kinh doanh (môi giới) BĐS luôn là nghề "hot", có thu nhập cao, không đòi hỏi nặng về bằng cấp, nghiệp vụ sâu. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị giao dịch, tư vấn nhà đất đều thừa nhận việc tuyển dụng này khó khăn. Bởi hiện có rất nhiều sản phẩm BĐS để người dân lựa chọn, bên cạnh đó đối tượng khách hàng là người có nhu cầu ở thực, có sự tìm hiểu, tích lũy thông tin nên đòi hòi người môi giới ngoài kỹ năng phải có kiến thức, tầm hiểu biết để phân tích thị trường, tư vấn. Nhưng trên hết là khách hàng đã thận trọng, kỹ lưỡng hơn trong việc mua nhà. Do đó, môi giới hiện nay phải lấy chữ tín làm đầu và có tính kiên trì mới mong bán được sản phẩm, vì đối tượng phần nhiều không sẵn tiền, cần hỗ trợ, đóng theo đợt. Theo một số sàn, thực tế việc đào tạo nhân viên kinh doanh BĐS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sát thực, chủ yếu mới nắm được văn bản luật còn thiếu kỹ năng tư vấn, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Tổng giám đốc Sàn Thế kỷ (Cengroup) cho biết: "Cứ sau mỗi đợt tuyển dụng, công ty đều phải đào tạo lại cho các nhân viên mới kiến thức về BĐS, song cũng chỉ có khoảng 70 - 80% là đáp ứng được yêu cầu".
Thực tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chất lượng và sự chuyên nghiệp hóa của đội ngũ nhân viên kinh doanh là yếu tố quyết định đến sự sống còn của sàn BĐS. Đây chính là bộ phận mang doanh thu trực tiếp về. Tình trạng ai cũng có thể làm môi giới gây rối loạn thị trường, thổi giá sẽ tiếp tục xảy ra nếu như cơ quan quản lý không có các quy định rõ ràng đối với người hành nghề môi giới BĐS. Bên cạnh đó, bản thân người làm môi giới cũng phải luôn ý thức trau dồi, tích lũy kiến thức, nâng trình độ bản thân.
Ông Phạm Đức Toản - Giám đốc Sàn EZ Property nhấn mạnh: "Thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm trở lại, nên các sàn tuyển thêm nhân viên là tất yếu. Song các đơn vị khi tuyển người phải lên kế hoạch đào tạo và thường xuyên tập huấn kỹ năng cho nhân viên, để đội ngũ luôn đảm bảo tính chuyên nghiệp. Có như vậy mới tăng niềm tin cho khách, làm thị trường tốt lên, xóa nhòa khái niệm "cò đất"".
Theo Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi: "Cá nhân trong nước và nước ngoài hành nghề môi giới BĐS tại Việt Nam phải có bằng đại học, thẻ hành nghề. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới, dịch vụ sàn giao dịch BĐS, kinh doanh dịch vụ định giá BĐS, mỗi loại hình phải có ít nhất hai người có thẻ hành nghề. Thẻ này sẽ được Bộ Xây dựng trực tiếp tổ chức sát hạch và cấp thẻ cho cá nhân đủ điều kiện và phải qua thi sát hạch".
Theo Kinh tế & Đô thị