Nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép
Cập nhật lúc 17:34, Thứ ba, 20/10/2015 (GMT+7)
Cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là lĩnh vực quan trọng trong chương trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh BR-VT. Vì vậy, các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép và phát triển dịch vụ hậu cần cảng (logistics) là nhiệm vụ lớn của ngành GT-VT trong giai đoạn tới. (cảng thị vải, hệ thống cảng, cơ cấu kinh tế)
Cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là lĩnh vực quan trọng trong chương trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh BR-VT. Vì vậy, các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép và phát triển dịch vụ hậu cần cảng (logistics) là nhiệm vụ lớn của ngành GT-VT trong giai đoạn tới.
Theo quy hoạch của Chính phủ, hệ thống cảng BR-VT là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, cho tàu có trọng tải trên 100.000 tấn ra vào.
Toàn bộ hệ thống cảng BR-VT có 57 dự án. Riêng khu vực Thị Vải - Cái Mép có 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD, hiện đã đưa vào khai thác 17 dự án với công suất khoảng 93 triệu tấn/năm, trong đó có 7 dự án cảng container lớn, với công suất trên 6,8 triệu TEUs/năm. Lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh trong các năm qua tăng bình quân khoảng 15% năm trong đó có cả hàng container. Tuy sản lượng hàng container qua cảng hàng năm gia tăng, nhưng hiệu quả khai thác còn thấp. Trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu TEUs/năm, chỉ đạt khoảng 18% so với công suất hiện có.
Với vai trò là cảng trung chuyển quốc tế của quốc gia, trong tương lai, hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép cùng với hoạt động dịch vụ hậu cần cảng (logistics) sẽ mang lại nguồn thu lớn trong các ngành nghề kinh tế của tỉnh và cũng góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực. Thế nhưng, hiệu quả khai thác các cảng container còn thấp là do sức cạnh tranh thu hút hàng đến cảng chưa cao. Cụ thể, thiếu chân hàng là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hiệu quả khai thác cảng như hiện nay. Kế đến, cơ sở hạ tầng GT-VT nhiều tuyến quan trọng vẫn chưa được đầu tư, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng đó, chưa có trung tâm dịch vụ logistic bố trí ngay sau cảng để hỗ trợ các dịch vụ hoạt động của cảng.
Nhận thấy những nguyên nhân hạn chế trên, trong thời gian qua, Bộ GT-VT và UBND tỉnh đã nghiên cứu đánh giá và đưa ra thực hiện nhiều giải pháp bằng những đề án, quy hoạch quan trọng để tháo gỡ khó khăn. Các giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, như bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container; thành lập văn phòng đại diện của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, các cơ quan chức năng chuyên ngành liên quan tại Cảng Quốc tế Cái Mép; triển khai thí điểm hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS...
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả khai thác, để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, ngành GT-VT đề xuất, cần triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường sắt và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cho phép đầu tư cầu Phước An bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản để kết nối cụm cảng Thị Vải – Cái Mép với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; triển khai đầu tư đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép; nghiên cứu chỉnh trị đồng bộ toàn tuyến luồng Thị Vải – Cái Mép bảo đảm độ sâu tuyến luồng theo quy hoạch được duyệt; phát triển vận tải bằng đường thủy nội địa, kết nối đường sắt vào các trung tâm logistics.
Để cung cấp dịch vụ cho cảng hoạt động, trước mắt cần nhanh chóng triển khai lập quy hoạch xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ để tổ chức triển khai đầu tư, xúc tiến đầu tư. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính cảng biển, đặc biệt đối với các thủ tục của hải quan tại cảng biển; nghiên cứu triển khai thông lệ quốc tế không can thiệp công tác hải quan vào hàng trung chuyển quốc tế. Về cơ chế chính sách, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép giảm phí, lệ phí hàng hải, phí lai dắt để thu hút tàu đến cảng Thị Vải – Cái Mép; đề xuất với Chính phủ cho cơ chế thành lập khu thương mại tự do gắn liền với cảng trung chuyển và thành lập mô hình quản lý cảng biển và logistics để thực hiện các giải pháp đột phá cảng trung chuyển Thị Vải – Cái Mép. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ các cảng biển, trung tâm logistics.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
.