Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao nhất 8 năm, quy mô GDP đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Lạm phát thấp nhất 10 năm nhưng không có dấu hiệu giảm phát.

 


CPI thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát

Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội sáng nay (21/3/2016), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khép lại năm 2015, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Ngoài 1 chỉ tiêu là tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch như đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, qua đánh giá lại có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch. Tổng kết lại, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn.

Bình quân cả năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản tăng 2,05% so với năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp chủ yếu do giá dầu thế giới giảm mạnh (giảm khoảng 50% so với năm trước), tác động làm giảm giá xăng dầu và giá các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, bao gồm cả lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp và dịch vụ.

Theo khẳng định của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng mặc dù tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh; tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Bước sang năm 2016, bình quân hai tháng đầu năm, CPI tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, giá cả thị trường trong những ngày trước, trong và sau Tết tương đối ổn định, giá cả một số mặt hàng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường, nhưng không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD

Phó Thủ tướng cũng cho biết, nền kinh tế năm 2015 đã phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tốc độ tăng GDP có xu hướng tăng nhanh sau từng quý. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 (cao nhất 8 năm), cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 10%) và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 10%. Theo phân tích của Chính phủ, sự giảm sút tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do giá dầu thô giảm mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4 tỷ USD; giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản giảm, làm giảm kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD.

Năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3,54 tỉ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu trên13 tỉ USD; nếu kể cả dầu thô xuất siêu hơn 17 tỉ USD thì khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại nhập siêu khoảng 20,6 tỉ USD.

Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về nền tảng kinh tế vĩ mô, kinh tế 2016 dự báo vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả hàng hóa thế giới tháng 2/2016 tiếp tục giảm 8,3% so với tháng trước do triển vọng kém khả quan của sự phục hồi kinh tế thế giới và sức cầu yếu tại các thị trường lớn. Giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Chính phủ cũng nhìn nhận, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế, đặc biệt là việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Do đó, trong năm 2016, Chính phủ dự kiến vẫn điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường ngoại hối, tiền tệ trong nước.
 

Theo Dân trí

.