Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 25 năm qua chưa bằng nửa số đã đăng ký. Có những dự án cam kết tỷ đôla nhưng bị thu hồi do chủ đầu tư không đủ lực triển khai.

 
 
Không chỉ dừng lại ở vấn đề "cam kết rồi không thực hiện", GS Nguyễn Mại cũng đặt vấn đề "thực chất các dự án FDI đang đóng góp bao nhiêu?".
 
Đại gia CocaCola mục tiêu đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam, tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, chưa đóng một đồng thuế nào với lý do "thua lỗ". Hay như Samsung Electronic Việt Nam (SEV) trong 2 tháng đầu năm 2013 nộp được 429 triệu đồng tiền thuế, trong khi dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt khoảng 30 tỷ USD.
 
Ngoài ra, ông cũng lo ngại việc việc thu hút ồ ạt vốn FDI mà không chú ý đến nhu cầu trong nước. Hiện sự chú ý đổ dồn về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD tại Bình Định do Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất triển khai. Mới ở giai đoạn báo cáo tiền khả thi, nhưng dự án này đã vấp phải ý kiến phản đối của Tập đoàn dầu khi Việt Nam (PVN) vì sẽ gây ra "mất cân bằng cung cầu", bởi hiện chỉ lọc dầu Dung Quất đã đủ đáp ứng 50% nhu cầu trong nước, không kể thời gian tới có thêm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
 
Các chuyên gia khuyến nghị lãnh đạo các địa phương nên cẩn trọng trong thu hút đầu tư, để vừa có nhiều dự án nhưng vẫn đảm bảo về chất. Sự cạnh tranh của 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài hiện rất gay gắt vì nếu đem về càng nhiều dự án sẽ khiến GDP tỉnh đó cao hơn, tạo được việc làm và lãnh đạo cũng được đánh giá năng động, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua những yếu tố quan trọng trong xét duyệt đầu tư, đánh giá tác động môi trường, một chuyên gia trong ngành nói.
 
Đồng thời, thủ tục đầu tư cũng cần phải cải cách để thu hút được những nhà đầu tư nghiêm túc. Tại hội nghị tổng kết 25 năm, Thủ tướng đã nhấn mạnh "Thực tế cho thấy còn nhiều điều phải cải cách. Nếu vẫn thế này, dự án nào Thủ tướng cũng phải ngồi xử lý trực tiếp thì e cạnh tranh không kịp".
 
Theo Huyền Thư
VnExpress
.