Sẽ không còn là thí điểm, nếu dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì việc người nước ngoài được sở hữu nhà ở sẽ “rộng cửa” hơn.
 
 
Theo đó, dự án Luật quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam như quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài); cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
 
Hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn trước khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
 
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) còn đề nghị mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, như có quyền cho thuê lại để đảm bảo công bằng với công dân Việt Nam.
 
Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu phải quy định chặt chẽ điều kiện người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh), quy định cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được mua, sở hữu nhà ở thì đối tượng quá rộng và đề nghị phải tính tới thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh của cá nhân nước ngoài để không có chuyện đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản trong nước.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (thành phố Cần Thơ) thì cho rằng: “Dự án luật phải làm rõ cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án ở Việt Nam làm văn phòng, nhà ở hay để kinh doanh. Đồng thời có sự xem xét rất kỹ, vì mở rộng quá sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý an ninh, quốc phòng sau này”.
 
Trong một báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để tránh hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản.
 
Cụ thể, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết sẽ quy định về điều kiện người nước ngoài được mua nhà ở như số lượng cụ thể căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư; quy định chặt chẽ phương thức thanh toán thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền; không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh...
 
Theo Chinhphu.vn
.