Góp ruộng, hình thành cánh đồng lớn để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng diện tích lúa cấy bằng máy cơ giới… được triển khai ở xã Bình Đào (Thăng Bình) trong vụ đông xuân này nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

 

Máy cấy

 

Sáng sớm, tiếng nổ động cơ của 2 chiếc máy cấy lúa hiệu Kubota (Nhật Bản) trên cánh đồng các thôn Trà Đóa 1, Trà Đóa 2 (xã Bình Đào) khiến việc đồng áng nơi đây chộn rộn hẳn. Đứng trên bờ chăm chú quan sát chiếc máy cắm những thân mạ non xuống đất ruộng của gia đình, lão nông Lê Văn Hậu (thôn Trà Đóa 1) phấn khởi nói: “Vụ hè thu trước, nhà tôi cấy thủ công 1 sào lúa tốn mất một ngày; còn vụ đông xuân này có máy cấy của HTX nên tiến độ rất nhanh”.

 

Vụ hè thu năm 2015, HTX Nông nghiệp Bình Đào lần đầu tiên đưa 2 chiếc máy cấy xuống đồng để phục vụ sản xuất thí điểm trên 1ha lúa tại thôn Trà Đóa 1. Tổng kết cuối vụ, năng suất lúa đạt từ 65 - 70 tạ/ha, vượt trội hơn so với diện tích lúa gieo sạ (trung bình 58 tạ/ha). Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, sau khi học hỏi mô hình áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương khác, HTX đã xây dựng kế hoạch mua máy móc và được sự đồng ý, hỗ trợ kinh phí từ Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình. “Lúc đầu đem máy về cấy trình diễn, người dân thấy lạ lẫm và không mặn mà vì cho rằng cây mạ được cấy xuống yếu ớt, cấy thưa. Nhưng qua quá trình cây lúa sinh trưởng, với những ưu điểm như ít sâu bệnh, tiết giảm chi phí, công sức, năng suất cao nên bà con hưởng ứng tích cực ở vụ đông xuân này” - ông Sanh nói.


 

Mạ được đưa lên máy để cấy.
Mạ được đưa lên máy để cấy.

 

Vụ sản xuất này, có 10ha tại các cánh đồng Bồ Bồ, Mã Phiền, Cồn Mùn thuộc thôn Trà Đóa 1 và Trà Đóa 2 được cấy lúa bằng máy móc thông qua hình thức nông dân liên kết với HTX Bình Đào và Công ty CP Giống cây trồng miền Nam về mạ giống, máy móc, tiêu thụ. “Để hạt giống thu hoạch đảm bảo chất lượng, cần chú trọng công đoạn chăm sóc cây mạ trong những chiếc khay trước khi đưa xuống ruộng. Đất nền trong những chiếc khay này phải phù hợp chứ không thể tùy tiện” - ông Trần Văn Hùng (Công ty CP Giống cây trồng miền Nam) cho biết. Qua nhiều lớp tập huấn và thực hành, nông dân Trần Hữu Phát (37 tuổi, người địa phương) cho biết việc điều khiển chiếc máy cấy không quá khó, mỗi ngày có thể cấy được 20 sào, gấp 20 lần so với cấy thủ công.

 

Góp ruộng chung

 

Bình Đào là địa phương đầu tiên của huyện Thăng Bình triển khai mô hình tích tụ tập trung ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho giá trị kinh tế cao, bắt đầu từ vụ đông xuân này. Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào - ông Võ Tấn Sanh cho biết địa phương có hơn 650ha đất trồng lúa, mặc dù đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa nhưng vẫn còn nhiều diện tích đất ruộng nhỏ, manh mún. “Ngoài ra, việc nhiều hộ có cuộc sống khấm khá thì không làm ruộng nữa nên bỏ hoang hoặc giao cho người khác làm có xu hướng tăng. Do vậy chúng tôi liên kết với nông dân và Công ty CP Giống cây trồng miền Nam hình thành cánh đồng lớn sản xuất theo hướng hàng hóa với diện tích vụ này là 10ha” - ông Sanh cho hay.

 

Tại thôn Trà Đóa 1 và Trà Đóa 2, nhiều đám ruộng rộng hàng héc ta vừa được xuống mạ sau khi tập trung những thửa ruộng nhỏ. Vụ này, có 149 hộ dân Bình Đào tham gia góp ruộng đất hình thành cánh đồng lớn. Trong đó 39 hộ giao hẳn đất cho HTX Bình Đào thuê sản xuất, số còn lại cùng nhau liên kết với các bên để sản xuất theo hướng hàng hóa. Theo kế hoạch, trong những vụ mùa sau sẽ có hơn 1.100 hộ dân địa phương có ruộng tham gia mô hình này. Có 3 sào ruộng được liên kết sản xuất từ vụ đông xuân này, nông dân Trần Công Cả (thôn Trà Đóa 1) cho biết: “Sau khi liên kết sản xuất, chúng tôi sẽ giảm được chi phí đầu tư, công lao động cũng như tiếp cận với máy móc cơ giới hóa, bao tiêu sản phẩm. Diện tích ruộng của gia đình tôi cũng vừa được cấy mạ bằng máy móc. Do vậy, người dân càng có thêm điều kiện để tập trung vào các công việc khác để tăng thêm thu nhập gia đình”.

 

Tập trung ruộng đất thực chất là thực hiện quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Việc hình thành các cánh đồng tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa là xu thế phát triển tất yếu của “tam nông” trong thời kỳ hội nhập. Cùng với đó, việc đầu tư máy móc cơ giới hóa như máy cấy lúa, máy cày, máy gặt đập liên hợp… sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, từ chủ trương của huyện Thăng Bình, ngành nông nghiệp địa phương triển khai mô hình tập trung ruộng đất thí điểm tại Bình Đào và sẽ tiến tới nhân rộng ở những vụ mùa sau. “Vụ đông xuân này chúng tôi tập trung sản xuất 10ha lúa; đến vụ hè thu kế tiếp sẽ triển khai thêm 10ha đậu phụng. Cạnh đó luôn có những chính sách hỗ trợ, lồng ghép cơ chế từ trung ương đến tỉnh để thực hiện thành công mô hình này” - ông Vũ nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

.