Đó là chuyện lạ đời xảy ra ở Tổng công ty (TCT) xây dựng Thăng Long. Năm 2014, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng nhà đất số 4IFF2 Thái Thịnh (Đống Đa-Hà Nội). Thế nhưng hai năm sau, nhà đất này lại được tự ý mang bán cho tư nhân.
 
Nhà đất số 4IFF2 Thái Thịnh do Tổng công ty xây dựng Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) dùng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước mua lại của ông Vũ Văn Khiêm và bà Đặng Thị Phương Lan ( hợp đồng mua bán ngày 6/12/2013).
 
 Năm 2014, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Bộ Tài chính đã có công văn số 7043/BTC-QLCS ngày 28/5/2014 phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng theo quy hoạch của TP Hà Nội đối với nhà đất nêu trên.
 
 
Trụ sở Tổng công ty xây dựng Thăng Long
Trụ sở Tổng công ty xây dựng Thăng Long
 
Giai đoạn 2013 - 2014, Tổng công ty Thăng Long chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hoá. Đơn vị này đã đề nghị và được Bộ GTVT đồng ý cho bán cơ sở nhà đất 4IF2 theo Thông báo số 660/TB-BGTVT ngày 17/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, Tổng công ty đã bán cho ông Phạm Thế Minh với giá 4,15 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được, Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT và nộp về quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
 
Sau khi hoàn thành việc mua cơ sở nhà đất nêu trên, ông Minh đã làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được chấp thuận. Lúc này mới vỡ ra lý do nhà đất này đã được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng theo công văn ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính và quyết định của Bộ GTVT.
 
Trong văn bản số 1004/BTC-QLCS ngày 20/1/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, Bộ GTVT và TCT xây dựng Thăng Long đã tự ý bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ sở nhà đất số 4IF2 phố Thái Thịnh là tài sản Nhà nước trong khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận.
 
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện bán tài sản Nhà nước theo hình thức chào cạnh tranh, không thực hiện xác định giá khởi điểm và không thực hiện bán đấu giá theo quy định. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại pháp luật về lĩnh vực này.
 
Do đó, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi cơ sở nhà đất theo quy định. Theo đó, giao Bộ Tài chính thu hồi, cơ sở nhà đất số 4IF2 phố Thái Thịnh và thực hiện bán đấu giá cơ sở nhà đất, số tiền thu được nộp vào ngân sách.
 
Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm huỷ bỏ Hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ với người trúng chào giá cạnh tranh trước đó là ông Phạm Thế Minh. Đồng thời, xử lý tồn tại về số tiền thu được từ bán nhà, chuyển nhượng sử dụng đất đối với nhà đất này liên quan đến phương án cổ phần hoá và phương án thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Quan điểm của Bộ Tài chính nêu trên là rõ ràng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là với một sai phạm nghiêm trọng như vậy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Hệ lụy từ quyết định sai trái trên đã gây ra những thiệt hại gì cho Nhà nước và cho gia đình ông Phạm Thế Minh? Nếu tài sản trên được đấu giá đúng quy định thì số tiền thu về có phải chỉ là 4,15 tỷ đồng? Nay thực hiện phương án thu hồi và đấu giá lại thì những thiệt hại ai sẽ chịu trách nhiệm?
 
Công văn nêu trên mới chỉ là ý kiến chuyên môn của riêng Bộ Tài chính. Xung quanh sự việc, chắc chắn còn nhiều uẩn khúc và liên quan đến trách nhiệm của cán bộ Tổng công ty xây dựng Thăng Long cũng như Bộ Giao thông Vận tải nên để làm sáng tỏ sự việc, rất cần Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện, làm rõ trách nhiệm, các sai phạm và xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân có liên quan. Không thể chỉ thu hồi rồi đấu giá lại một cách chung chung mà bỏ qua các sai phạm nghiêm trọng.
 
Theo Quang Minh/ Công lý
.