Nhiều biện pháp bảo vệ người mua trong hoạt động Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) hình thành trong tương lai, vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng… là một số điểm nổi bật quy định tại Luật KDBĐS 2014.
* Các dự án bất động sản trước kia, khi mua căn hộ dự án, thường được ghi nhận dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư, điều đó không an toàn cho người mua căn hộ. Luật KDBĐS mới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng ra sao?
- Tại Điều 3 của Luật KDBĐS 2014 cũng tách rõ ràng hai khái niệm “Nhà, công trình xây dựng có sẵn” và “Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai”. Từ đó, Điều 5 Luật KDBĐS 2014 cũng cho phép các loại bất động sản đưa vào kinh doanh bao gồm: “Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân”. Đây là điểm mới và mở ra điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động KDBĐS và cũng là điểm tốt cho các bên liên quan trong quá trình tham gia vào hoạt động mua bán, chuyển nhượng, tránh hình thức đầu tư góp vốn mà trước kia các doanh nghiệp KDBĐS và cá nhân mua nhà thực hiện dẫn đến hậu quả khó giải quyết khi phát sinh tranh chấp.
Để tăng cường thêm các biện pháp bảo vệ người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Điều 34 của Luật này cũng quy định bên thuê mua có quyền yêu cầu bên cho thuê mua cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về nhà, công trình xây dựng. Đồng thời, doanh nghiệp KDBĐS có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản liên quan đến vấn đề này, cụ thể: hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng như các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có);
Luật KDBĐS mới dành hẳn một chương (chương III) để quy định về những vấn đề liên quan đến hoạt động KDBĐS hình thành trong tương lai như: quyền KDBĐS hình thành trong tương lai, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như vấn đề chuyển nhượng hợp đồng mua bán loại tài sản này.
Với những điểm mới này, người tiêu dùng đã có thể an tâm hơn khi thực hiện giao dịch bất động sản thông qua hợp đồng mua bán với các quyền và nghĩa vụ được cụ thể hóa chứ không còn hồi hộp theo cách hợp đồng góp vốn đầu tư như trước đây.
Về cơ bản, Luật sửa đổi lần này đã khắc phục nhiều điểm thiếu sót của luật cũ. Hy vọng Luật KDBĐS mới khi đi vào cuộc sống, sẽ có những tác động lớn đối với hoạt động phát triển nhà ở và KDBĐS, thị trường bất động sản sẽ có những bước đột phá mới và đảm bảo tính an toàn hơn trong giao dịch.
Theo Người Tiêu Dùng