Ghi nhận thực tế tại khu vực hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trước mắt là một công trường nhộn nhịp với la liệt các ghe hút cát đang hoạt động tấp nập bên trong lòng hồ. 

Còn trên bờ, không khí cũng nhộn nhịp không kém. Hàng loạt cần cẩu miệt mài xúc cát lên những chiếc ô tô vận tải cỡ lớn. Ngay sau khi chất đầy thùng cát, những chiếc xe tải lập tức ầm ầm lao đi với tốc độ chóng mặt. 

leftcenterrightdel
 Xe chở cát vương vãi cát khiến đường ngập bụi

Điều đáng nói là hầu hết các xe tải này đều không được che chắn hoặc che chắn rất sơ sài khiến cát rơi vãi đầy đường. Theo đó, mỗi khi xe chạy qua là lại kéo theo những cơn “bão” cát mù mịt, bụi cát bay tứ tung vào nhà người dân ven đường khiến mọi thứ trở nên nhem nhuốc, cuộc sống sinh hoạt ở đây rất khổ sở…

Người dân nơi đây cho biết: Trước đây, con đường ven hồ Dầu Tiếng rất sạch đẹp và bằng phẳng. Thế nhưng, từ khi các mỏ cát trong lòng hồ hoạt động thì các phương tiện vận chuyển cát thường xuyên chở quá tải, chạy liên tục cả ngày lẫn đêm khiến đường này nhanh chóng xuống cấp trầm trọng với la liệt các “ổ trâu, ổ bò”. Đã nhiều năm nay, họ phải sống chung với cảnh tượng “nắng bụi, mưa lầy”; trời nắng thì chìm trong bão cát mù mịt, còn trời mưa thì đường như đầm lầy khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.

Theo người dân, điều đáng nói là dù họ đã phản ánh, kêu cứu đến nhiều nơi nhưng những gì họ nhận được chỉ là những lời "cam kết", những lời hứa hẹn "sẽ giải quyết"… suông từ phía chính quyền địa phương. Còn sau đó, tình hình không có chuyển biến gì.

“Tại hồ Dầu Tiếng giờ có đến hàng trăm tàu hút cát các loại và vài chục bãi cát quanh hồ hoạt động không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Các xe tải chở cát thì chở quá tải không được che chắn nối đuôi nhau chạy ầm ầm. Nhưng bao nhiêu năm sống tại đây, chưa khi nào chúng tôi thấy các cơ quan chức năng và địa phương đến kiểm tra xử lý dứt điểm cả”, anh Nghị – một người dân địa phương gay gắt lên tiếng.

leftcenterrightdel
 Công trường khai thác cát

Theo hồ sơ phóng viên có được thì tính đến thời điểm tháng 4/2017, tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh đã có 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát nằm trên 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu với tổng trữ lượng cát được khai thác là 6.452.454m3.

Thế nhưng trong quá trình khai thác cát tại hồ, nhiều doanh nghiệp đã vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát. Theo đó, có một số đơn vị đã hoạt động tàu hút cát vượt mức được cấp phép, tự do thành lập bến bãi tập kết cát trên diện tích đất nông nghiệp trái quy định, không có biển hiệu bến bãi khai thác, trốn thuế, không kê khai đầy đủ VAT trong khi mua bán cát…

Nhiều đơn vị còn đưa các xe tải có tải trọng lớn vào các bãi tập kết cát trong lòng hồ và gần chân đập có nguy cơ gây mất an toàn cho đập chứa và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường giao thông quanh hồ.

Lãnh đạo UBND xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) cho biết: Hiện trên địa bàn xã Phước Minh có hai điểm khai thác cát là của Công ty Thành Đạt và Cơ sở tư nhân Hiệp Thịnh. Trong đó, khu vực khai thác của Công ty Thành Đạt đã bị đình chỉ hoạt động vì lý do số lượng tàu hút cát vượt quá số lượng cho phép. 

Lãnh đạo UBND xã Phước Minh còn cho hay: địa phương chỉ  nắm được trên địa bàn xã có hai cơ sở hút cát nhưng hoạt động ra sao và cơ giới như thế nào thì địa phương lại “không rõ”. Về vấn đề giấy phép, hồ sơ hoạt động của các cơ sở khai thác cát thì địa phương cũng không lưu trữ. 

Còn về việc hoạt động quá tải của các xe vận chuyển cát được che chắn sơ sài ảnh hưởng tới đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thì hiện địa phương đã ghi nhận được ý kiến phản ánh của người dân và đã có báo cáo kiến nghị lên cấp trên. Thế nhưng, những báo cáo kiến nghị chỉ là “qua điện thoại” hoặc “bằng miệng” chứ không có văn bản báo cáo. 

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cần vào cuộc kiểm tra,  xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có những biện pháp kịp thời khắc phục những hệ lụy từ hoạt động khai thác cát tại lòng hồ Dầu Tiếng đang ngày đêm đe dọa đến môi trường sống của những người dân nơi đây.

Được biết hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam với diện tích mặt nước là 270km2, được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985. 

Nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ sinh hoạt và chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Gia Hân