Nổi danh trên thị trường BĐS bằng việc triển khai rầm rộ hàng loạt những dự án với quy mô vốn đầu tư “khủng” lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, đó chưa hẳn là sự khẳng định chắc chắn cho tiềm lực tài chính vững mạnh của doanh nghiệp. Bởi hiện nay không ít các đại gia địa ốc đang dùng tiền ngân hàng để nuôi các dự án BĐS của mình. Và đáng lo ngại hơn là không ít vị đại gia trong số đó đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do đầu tư thất bại.
Novaland và hàng loạt dự án nghìn tỷ
Xuất phát từ doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc thú y, chỉ sau chừng ba năm, công ty Cổ phần địa ốc Novaland Group nhanh chóng nổi danh như “hiện tượng” của thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam. Sau hàng loạt thương vụ thâu tóm quỹ đất rộng lớn, Novaland Group nhanh chóng bắt tay vào triển khai xây dựng các dự án BĐS tại Tp.HCM. Hiện, tập đoàn này đang phát triển 24 dự án cao ốc, mỗi dự án đều có từ 2 đến 7 toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu vui chơi, bệnh viện…
|
Novaland Group rất "kín tiếng" về tình hình tài chính của mình |
Một số dự án đáng chú ý như: The Sun Avenue,_ RiverGate (vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng), The Tropic Garden, Sunrise City Central, Sunrise Riverside, Lucky Palace, Orchard Garden… Tính đến cuối năm 2014, giá trị các dự án của Novaland ước tính khoảng 753,4 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỷ đồng).
Mặc dù là công ty đầu tư BĐS lớn, song suốt ba năm qua, Novaland Group không công bố bất cứ thông tin nào về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh lỗ/lãi, vay nợ, tồn kho dự án… Năm 2015, tập đoàn còn “đánh tiếng” sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) song đến giờ vẫn “im thin thít”.
Động thái đáng chú ý là trong năm 2015, Novaland Group đã hé lộ hai đợt huy động vốn với tổng quy mô khoảng 2.000 tỷ đồng từ bán trái phiếu, cổ phiếu. Cụ thể, tháng 4/2015, Novaland Group phát hành thành công 600 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn ba năm cho các nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng, công ty chứng khoán. Dù không tiết lộ danh tính các nhà đầu tư, song trên website công ty, Novaland cho biết đang có quan hệ đối tác với 8 ngân hàng lớn như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, Seabank, NCB, MB, VPBank.
Liên quan đến tiềm lực tài chính, rất ít thông tin được công bố ra thị trường, Novaland Group chỉ tiết lộ, tháng 1/2011, tập đoàn đã đạt tổng tài sản 5.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Thời điểm đó, tập đoàn vẫn đang loay hoay triển khai dự án đầu tay Sunrise City với tổng mức đầu tư tới 500 triệu USD (tương đương 9.000 tỷ đồng), khởi công từ tháng 12/2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Để phục vụ dự án này, cuối năm 2009, Novaland Group đã phát hành được 1.922 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm.
Tuy nhiên, do Novaland Group không công bố báo cáo tài chính nên rất khó xác nhận số liệu tài sản, vốn, dự án của doanh nghiệp này. Trong khi đó, một báo cáo độc lập từ công ty chứng khoán Bản Việt đưa ra đầu năm 2015 có nhận định: Biên lợi nhuận ròng sau thuế của Novaland Group đang ở mức thấp, dao động 5%-10%, có thể do chi phí mua đất (thường chiếm 25-40% tổng đầu tư dự án). Và việc thi công cùng lúc nhiều dự án đòi hỏi lượng vốn lớn sẽ dẫn tới rủi ro sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao và áp lực trả lãi vay cho tập đoàn này. Và câu hỏi đặt ra là với kế hoạch phát triển hàng loạt dự án BĐS trong thời gian ngắn, Novaland liệu có thể xoay sở nguồn vốn để đủ “nuôi” hàng chục dự án cùng lúc của mình?
Dự án của Tân Hoàng Minh cũng phải nhờ Ngân hàng mới "vượt được thời gian"!
Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã kêu gọi Ngân hàng SHB đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, hai bên đã nhanh chóng ký kết những hợp đồng quan trọng. Theo đó, SHB đồng ý tài trợ tới 1.000 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh triển khai dự án căn hộ cao cấp D.’ Le Pont D’or – Hoàng Cầu, đồng thời, cho người mua căn hộ tại dự án này vay tới 70% giá trị với thời hạn lên tới 25 năm.
Mọi việc sẽ chẳng có gì phải bàn nếu Tân Hoàng Minh thực sự có tiềm lực tài chính ổn định và hàng loạt những dự án bất động sản thành công trên thị trường. Thế nhưng, điều khiến dư luận lo ngại là trong khi các dự án của tập đoàn này ngoài việc được biết đến là nằm ở vị trí đất vàng thì hầu hết đều đắp chiếu hoặc chậm tiến độ.
Nếu tính từ mốc thời gian năm 2006, tức là năm Tân Hoàng Minh bắt đầu thâu tóm những mảnh đất "vàng tại Hà Nội để đầu tư xây dựng những dự án của mình thì doanh nghiệp này đã có khoảng thời gian 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này, (nếu tính từ năm 2003, khi Tân Hoàng Minh chính thức có dự án đầu tư đầu tiên thì con số này là 11 năm). Tuy nhiên đến nay, đã rất nhiều năm trôi qua nhưng thị trường bất động sản Hà Nội vẫn chưa đón nhận bất cứ một sản phẩm nào của tập đoàn này được hoàn thiện để ra mắt thị trường.
Tháp hoa kim cương vay 500 tỷ đồng để hoàn thiện
Không chỉ SHB mà nhiều ngân hàng khác đã dần mở hầu bao cho lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Liên Việt Post Bank mới ký thoả thuận cho chủ đầu tư tổ hợp Diamond Flower Tower vay 500 tỷ đồng để hoàn thiện dự án.
Tháp Hoa Kim Cương, Diamond Flower Tower được xây dựng, phát triển bởi chủ đầu tư là Công Ty Cổ Phần Handico6. Dự án được xây dựng trên diện tích đất 5359m2 với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng tại địa chỉ Lô đất C1 KĐT mới Trung Hòa Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ngoài cho chủ đầu tư vay triển khai dự án, các ngân hàng cũng kết hợp với chủ đầu tư triển khai các gói tín dụng cho vay đối với người mua nhà với lãi suất ưu đãi. Việc các ngân hàng mở hầu bao được coi là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung. Tín dụng giống như mạch máu nuôi sống bất động sản, và trong mấy năm qua, khi không còn được tiếp máu thì thị trường bất động sản tê liệt. Tín dụng được nối lại đã giúp nhiều dự án bất động sản hồi sinh, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ để triển khai dự án mới.
Bài học mang tên Sông Đà Thăng Long
Theo danh sách các doanh nghiệp nợ thuế được Bộ tài chính công bố ngày 20/7/2015, trên địa bàn Hà Nội, có 200 doanh nghiệp bị nêu tên với số tiền nợ thuế lên tới 4.672 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (mã chứng khoán STL) giữ vị trí quán quân với 375 tỷ đồng nợ thuế tính đến ngày 30/6/2015. Sự thất bại của Sông Đà Thăng Long đã để lại một bài học lớn rất đáng suy ngẫm!
|
Usilk City hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện của khách hàng do dự án chậm triển khai |
Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, từ một doanh nghiệp có tiếng trên thị trường bất động sản Hà Nội với dự án khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) và sau đó, cái tên Sông Đà Thăng Long tiếp tục khiến nhiều người phải ngưỡng mộ khi trở thành chủ đầu tư của dự án tổ hợp chung cư đẳng cấp Usilk City (Hà Đông, Hà Nội).
Với dự định sẽ biến Usilk City trở thành một Thành phố Trẻ, năng động, có môi trường sống phù hợp với tầng lớp có thu nhập cao và ổn định với các dịch vụ đời sống cao cấp, dự án đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Những tưởng Usilk City sẽ trở thành lá bài chủ chốt để đưa bản kế hoạch tăng trưởng của Sông Đà Thăng Long trở thành hiện thực, nhưng ai ngờ hiện nay chính Sông Đà Thăng Long đang bị sa lầy ở con át chủ bài này.
Usilk City, “niềm kiêu hãnh” của Sông Đà Thăng Long hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện của khách hàng do dự án chậm triển khai, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng. Cùng với đó là khủng hoảng nợ của Sông Đà Thăng Long đang khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi: Vậy tiền huy động của khách hàng, Sông Đà Thăng Long mang đi đâu?
Trở về với câu chuyện các đại gia địa ốc vay vốn khủng từ ngân hàng để triển khai rầm rộ các dự án trong thời gian vừa qua, cho thấy câu hỏi năng lực nhà đầu tư đến đâu khi đặt mình đứng giữa áp lực từ hai phía, một bên là vốn ngân hàng và một bên là bài toán đầu ra của sản phẩm ?!
Theo Kinh doanh & Pháp luật