The GoldView là dự án khu căn hộ cao cấp quy mô 1905 căn hộ, được hình thành từ dự án cũ là “cao ốc Hòa Bình” trên đất trụ sở của May –Diêm Sài Gòn.

 


Tuy nhiên, với bất kỳ dự án BĐS cao cấp nào trên thị trường khách hàng, nhà đầu tư đều thấy rất rõ uy tín hay tiềm lực của “ông chủ” dự án đó. Chẳng hạn như Vinhomes Central Park thì ai cũng biết đó là Vingroup, Sunrise City, The Sun Avenue, Tropic Garden,…của Novaland, hay Scenic Valley của Phú Mỹ Hưng…

Còn với The GoldView, như chúng tôi đã có bài viết kỳ trước dự án này còn có nhiều điều “bí ẩn” chưa rõ. Dự án được giới thiệu do Công ty CP May –Diêm Sài Gòn là chủ đầu tư, một cái tên còn khá mơ hồ với giới địa ốc, nhưng dự án lại được quảng cáo rầm rộ với sự đồng hành của TNR Holdings Việt Nam và Marritime Bank.

Họ là ai?

Trên phương tiện đại chúng, gần đây xuất hiện nhiều cái tên TNR Holdings Việt Nam, được biết đến với vai trò là đơn vị quản lý và phát triển dự án. Trong một lần xuất hiện gần đây trên truyền thông, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Hồ Chí Minh TNR Holdings Việt Nam cho rằng, TNR Holdings Việt Nam là thành viên của TNG Holdings Việt Nam.

“Danh mục đầu tư của chúng tôi đa dạng bao gồm các cao ốc văn phòng hạng A, các dự án cao cấp, các khu đô thị phức hợp hiện đại… về mặt tài chính TNR Holdings Việt Nam hoàn toàn tự tin về khả năng chủ động thu xếp vốn cho tất cả các dự án.” Bà Hiếu giới thiệu.

Những lời giới thiệu này khiến rất nhiều người ngỡ rằng TNR Holdings Việt Nam là Chủ đầu tư của dự án. Tuy nhiên, thực chất thì chủ đầu tư The GoldView lại là Công ty CP May-Diêm Sài Gòn nhưng ít được biết đến.

Nhắc tới TNR Holdings Việt Nam và TNG Holdings Việt Nam thì giới địa ốc, tài chính ít biết tới nhưng với với VID Group và Marritime Bank (MSB) thì ai cũng biết đó là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài chính và bất động sản do ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch Marritime Bank) và vợ ông là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường –đại biểu Quốc hội khóa XIII, đồng thời là Chủ tịch hội đồng sáng lập MSB, Chủ tịch VID Group đang chèo lái.

TNR Holdings Việt Nam là thành viên của TNG Holdings Việt Nam, công ty này ra đời từ cuối 2014, với số vốn điều lệ 6 tỷ đồng do 3 cổ đông cá nhân sáng lập, trong đó 90% cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông Phạm Thị Vân Hà.

Trong khi đó, Maritime Bank được biết tới là đối tác tài chính chiến lược hợp tác hỗ trợ cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ vốn cho các dự án. TNR Holdings Việt Nam chỉ tập trung đến các vấn đề về thương hiệu của dự án, quản lý bán hàng,…

Ai “đứng sau” The GoldView?

Như vậy, có thể thấy TNR Holdings chỉ là một tổ chức được lập ra để quản lý và vận hành The GoldView. Vậy những ai đang tham gia dự án này để có thể triển khai rầm rộ như vậy?

Như chúng tôi đã phản ánh ở kỳ trước, The GoldView là dự án khu căn hộ cao cấp quy mô 1905 căn hộ, được hình thành từ dự án cũ là “cao ốc Hòa Bình” trên đất trụ sở của May –Diêm Sài Gòn tại 346 Bến Vân Đồn, Q.4, Tp.HCM rộng 2,3ha.

Với đặc thù kinh doanh diêm nên May –Diêm Sài Gòn khó có thể đầu tư phát triển một dự án BĐS lớn. Phía sau dự án là những đơn vị khác tham gia.

Giai đoạn 2010-2011, May –Diêm Sài Gòn chuyển sang mô hình kinh doanh BĐS, tăng vốn điều lệ từ 16 tỷ lên 320 tỷ, hợp tác với 2 đối tác khác đầu tư dự án cao ốc Hòa Bình. Tuy nhiên, sau đó 2 đối tác trên đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát. Theo đó, Tín Phát sở hữu 59% dự án này, May –Diêm Sài Gòn nắm 41%.

Trong khi đó, giữa Tín Phát, Marritime Bank và Cty TNHH Quản lý nợ và KTTS MSB (AMC -MSB) – công ty con của Maritime Bank đã có liên quan chặt chẽ với nhau về các khoản ủy thác đầu tư. Theo báo cáo tài chính năm 2011 của Tín Phát, công ty này có khoản nhận ủy thác 720 tỷ đồng từ AMC-MSB; Cũng theo báo cáo tài chính của công ty này, năm 2013 Maritime Bank là nhà đầu tư duy nhất ủy thác cho Tín Phát quy mô 916 tỷ đồng, bao gồm cả ủy thác trực tiếp và thông qua AMC-MSB.

Năm 2011, Tín Phát còn rót 602 tỷ đồng để góp vốn vào dự án cao ốc Hòa Bình (The GoldView), nhưng đến 2012 theo báo cáo tài chính thì Tín Phát không còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này nữa.

Đáng chú ý hơn, cũng trong năm 2011 để huy động vốn đầu tư dự án The GoldView hiện nay, May –Diêm Sài Gòn đã phát hành trái phiếu với tổng giá trị 1.200 tỷ cho Marritime Bank với lãi suất 14%, nhưng đã đáo hạn vào tháng 8 và tháng 9 năm 2014. Trái phiếu này được đảm bảo bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất dự án 346 Bến Vân Đồn (không gồm hầm và mái).

Không chỉ có The GoldView được phát triển và đầu tư theo mô hình trên, mà nhiều dự án khác cũng đang được phát triển theo mô hình này. Chẳng hạn như Goldmark City được thâu tóm như thế nào, cũng như “lột xác” ra sao dưới bàn tay đạo diễn của cặp vợ chồng doanh nhân giàu có này?
 

Theo Trí thức trẻ
.