Những ngày vừa qua có không ít những ý khác nhau về việc lát đá 11 tuyến phố cổ ở Hà Nội. Nhưng dự án lát đá đã tạm thời bị dừng lại do UBND quận Hoàn Kiếm đã gửi công văn cho TP.Hà Nội xin dừng đề xuất lát đá phố cổ bởi nhiều lý do.

 

Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị UBND TP cho phép lát đá mặt đường 11 tuyến phố gồm: Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến và Đào Duy Từ. Đồng thời, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất với TP để được phân cấp quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư đồng bộ khu vực phố cổ hiện nay. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách quận, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2016. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, nhà khoa học xây dựng phương án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị tại phố cổ Hà Nội.

 

Phố Tạ Hiện với chi phi lát 55m2 đá lên tới 1,5 tỉ
Phố Tạ Hiện với chi phi lát 55 m2 đá lên tới 1,5 tỷ đồng
 
Tuy nhiên theo nhiều luồng ý kiến thì việc lát đá thời điểm này chưa thực sự thích hợp. Vì chưa kể đến kinh phí để lát đá toàn bộ 11 tuyến phố cổ là rất lớn thì việc lát đá mặt đường các tuyến phố phải thực hiện đồng bộ với cải tạo hạ tầng. Theo chúng tôi được biết năm 2010, chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 m phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng. Vậy số tiền để lát đá toàn bộ 11 tuyến phố sẽ lấy từ đâu, trong khi rất nhiều con đường và tuyến phố ở Hà Nội đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.

 

Ô Quan Chưởng không lát đá vẫn đẹp theo nét rất riêng Hà Nội
Ô Quan Chưởng không lát đá vẫn đẹp theo nét rất riêng Hà Nội
 
Chỉ tính tới việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng thì đó đã là vấn đề cực khó đặt ra cho các cơ quan chức năng, mà trong quá trình lại phát sinh rất nhiều điểm bất cập. Vậy nên việc UBND quận Hoàn Kiếm xin tạm dừng dự án lát đá phố cổ là điều dễ hiểu. Tuy vậy việc tạm dừng vẫn làm nhiều người cảm thấy lo lắng, anh Duy Khánh - một cư dân ở phố cổ chia sẻ: “Lát đá thì sẽ đẹp đấy, nhưng tiền đâu ra. Còn bao nhiêu thứ phải xây phải sửa chưa làm xong thì mong các bộ ngành đừng bày thêm nữa”.
 
Lát đá sẽ làm thay đổi bộ mặt các tuyến phố, cũng sẽ thu hút du khách những vấn đề kinh tế lại khiến nhiều người thắc mắc. Ví dụ như  phố Tạ Hiện, toàn bộ mặt đường thành nơi bán hàng, diện tích kinh doanh ra ngoài đường rộng gấp 2-3 lần trong nhà, số hộ kinh doanh tăng từ 40-100% và doanh thu còn tăng cao hơn nữa, vậy Nhà nước đầu tư hơn 14 tỷ đồng thì bài toán thu hồi vốn tại đây thực hiện như thế nào? Có lẽ đây là câu hỏi quan trọng nhất mà xã hội quan tâm. 

 

Lát đá phải đồng bộ với cải tạo hạ tầng nếu không sẽ trở nên khập khiễng
Lát đá phải đồng bộ với cải tạo hạ tầng nếu không sẽ trở nên khập khiễng
 
Phỏng vấn chị Minh Hà (hướng dẫn viên du lịch lâu năm ở Hà nội) cho biết: “Hà Nội hấp dẫn du khách chính vì nét bình dị vốn có, nếu lát đá sẽ thành Âu hóa phố cổ mất đi cái riêng vốn có của Thủ Đô. Mình tiếp xúc với nhiều du khách nên cũng biết cái họ thích chính là những con phố nhỏ, ngang dọc nhộn nhịp ở Hà Nội chứ không phải không khí trang nghiêm sạch sẽ như châu Âu”.
 
Hà Nội trong lòng nhiều người vốn là vẻ đẹp cổ kính bình dị chứ không hào nhoáng và phóng khoáng, những con đường nhỏ, những gánh hàng rong, những chiếc xích lô thỉnh thoảng qua lại làm nên một Hà Nội rất riêng. Cụ Lê Văn Thìn ở Hàng Buồm nói với chúng tôi: “Ngày xưa người ít phố xá cũng đẹp hơn, phố cổ tuy chật chôi nhưng có nét đẹp của nó. Gia đình cụ ở đây đã 3 đời, quen với sự nhộn nhịp và đông đúc như thế này rồi. Bây giờ mà đổi mới chắc không được cổ kính như xưa”.
 
Hi vọng trước những ý kiến của nhiều người, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra được giải pháp hợp lý nhất, việc nghiên cứu lát đá và chỉnh trang các tuyến phố đi bộ rất cần thiết được tiếp tục thực hiện một cách thấu đáo để đưa ra những kết quả khả quan, thuyết phục hơn.
 
Theo Công luận