Theo phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, sắp tới có thể sẽ không còn xe công nữa và lãnh đạo thành phố sẽ đi xe thuê để không tốn chi phí bảo trì.

 

Sáng nay, 26/10, UBND TPHCM đã làm việc với các sở ban ngành chức năng về nguồn vốn huy động cho bảy chương trình đột phá.
Sáng nay, 26/10, UBND TPHCM đã làm việc với các sở ban ngành chức năng về nguồn vốn huy động cho bảy chương trình đột phá.


Tại cuộc họp, ông Tuyến cho biết trước tình hình khó khăn về ngân sách, dẫn đến việc giảm điều tiết về thành phố (từ 23% giảm còn 18%), lãnh đạo TPHCM sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư,… xin giảm điều tiết với mức 2% và được giữ lại 21%.

Để ứng phó với tình hình mới, ông Tuyến yêu cầu các sở ban ngành chức năng sửa đổi, bổ sung nội dung 7 chương trình đột phá hiện có, tăng giảm quy mô và nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ ngân sách sang xã hội hoá, đồng thời tham mưu UBND TPHCM về tìm các nguồn vốn, các giải pháp tạo nguồn vốn, gắn liền với tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát.

“Đầu tư công, sản phẩm công giờ phải chủ động. Nơi khác thí điểm rồi. Sắp tới có thể TPHCM không còn xe công nữa, chỉ thuê thôi. Không mua xe sẽ không phải tốn chi phí bảo trì. Thay vì mua sắm, đầu tư công, nên thuê. Sản phẩm công nghệ mau lạc hậu, mua rất lãng phí. Cần phải thực hành tiết kiệm”, ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cho rằng trước mắt cần đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và y tế vì TPHCM có điều kiện thực hiện và Thủ tướng chính phủ rất đồng tình ủng hộ. Đơn cử như ở quận 1 có rất nhiều trường đáp ứng được tiêu chí tự chủ tài chủ. Nếu chuyển sang hình thức này, ngân sách sẽ giảm gánh nặng trả lương, không có tình trạng chạy trường, dạy thêm học thêm, đời sống giáo viên được nâng cao…

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết theo tờ trình của UBND TPHCM được HĐND TPHCM thông qua thì dự kiến nguồn vốn thực hiện 7 chương trình độ phá giai đoạn 2016 -2020 là 30.000 tỷ đồng, trong đó khả nâng cân đối của ngân sách địa phương (thời điểm chưa bị cắt giảm) là 130.000 tỷ, đáp ứng 60% nhu cầu. Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý tại một hội nghị vừa diễn ra, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cho rằng nguồn vốn cần đầu tư cho bảy chương trình đột phá có thể cần đến 1 triệu tỷ đồng.

 

Theo Huy Thịnh/Tiền phong

.