Chưa hào hứng bơm vốn cho doanh nghiệp, nhưng ngân hàng tỏ ra nhiệt tình với khách vay tiêu dùng và chào lãi suất thấp hơn trước khoảng 1%.

Trái với lo ngại lãi suất huy động dài hạn thả nổi có thể khiến lãi vay trung dài hạn tăng cao, thực tế nhiều ngân hàng đang chào vốn giá mềm hơn cho khách vay mua nhà, mua xe. Lãi suất huy động dài hạn cao nhất hiện là 12,8%, và phổ biến là 11 - 12% một năm. Tuy nhiên các ngân hàng vẫn duy trì khoảng 17-18%, giảm 1% so với tháng trước.

“Ngân hàng đang có nhiều tiền, nên cho vay cũng thoải mái hơn trước, nếu hồ sơ tốt, giải ngân chỉ mất 3 đến 5 ngày”, nhân viên ngân hàng cổ phần trên phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội chào mời khách. Mong khách đến vay các khoản lớn trong dài hạn, nhà băng này còn sẵn sàng chấp nhận “găm” hồ sơ đến khi lãi suất hạ sẽ giải ngân. Mức lãi tại ngày 19/6 đang áp dụng là 17 - 18% một năm cho vay thế chấp, 12- 14% với tín chấp, giảm 1% so với cách đây hơn một tháng.

Chị này dự báo nhiều khả năng lãi suất sẽ về còn 15-16% trong vòng một tháng nữa.
 

 Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn ngay cả khi huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng bị thả nổi. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn ngay cả khi huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng bị thả nổi. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.

 
Cán bộ tín dụng phòng giao dịch Ngân hàng Á Châu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định, xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra rõ ràng hơn trong vòng 2 tuần tới. Vì giá vốn dài hạn huy động cũng đã 11 - 12%, theo độ trễ lãi suất cho vay trung, dài hạn có thể giảm về 13 - 14% trong thời gian tới. Chị này nói thêm, khách hàng còn được ưu ái trả nợ trước hạn mà bị phạt rất thấp, chỉ 750.000 đồng cho số tiền 100 triệu đồng. Trong khi thời điểm trước đó, một số ngân hàng khác áp dụng mức phạt này là 5% giá trị khoản vay.

Lẽ dĩ nhiên để vay được tiền, người đi vay vẫn phải đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện đưa ra từ các nhà băng. Tuy nhiên, một điều chắc chắn mà các ngân hàng đưa ra, là hồ sơ không bị “găm” lâu như trước vì bản thân nhà băng cũng muốn giải ngân sớm cho khách hàng tiềm năng. Mọi thủ tục về thẩm định, định giá tài sản cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn trước.

Không nói rõ số vốn khả dụng dư thừa trong hệ thống đang là bao nhiêu, song ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết, việc các ngân hàng đem tiền mua trái phiếu, cho vay liên ngân hàng lãi suất thấp trong khi huy động từ dân cư 9 - 12% cũng đủ thấy dòng vốn đang đi chậm như thế nào. Nhiều nhà băng đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 1 - 1,5% một tháng nên đang rốt ráo săn tìm khách vay vốn, dù là cá nhân hay doanh nghiệp. Với lãi suất dài hạn hiện nay là 11 - 12%, lãnh đạo này cho rằng lãi suất cho vay nên ở 13 - 15% là hợp lý.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận, nói các ngân hàng dư tiền là chưa chuẩn, mà từ đúng là “ứ tiền”. Ông cho rằng, nếu nền kinh tế mà tăng trưởng bình thường như những năm trước, thì số tiền ngân hàng huy động được vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. Song cầu về vốn đang quá thấp, kinh tế suy giảm, nhà băng ôm nhiều vốn khiến số này bị ứ đọng, không giải phóng ra được.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngân hàng “mở đường” cho khách vay mua nhà, xe, tiêu dùng… gần như là chuyện hi hữu trong ngành tài chính, ngân hàng suốt từ năm 2011 đến nay. Căn nguyên của động thái này là tín dụng tăng trưởng âm, ngân hàng phải đẩy vốn ra để còn thu lợi nhuận đồng thời kích thích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế.

Chưa đến mức chèo kéo hay đến tận nhà mời khách vay tiền, song tổng giám đốc một ngân hàng cho biết đang phải giữ chân khách hàng tiềm năng. Ông nói, những khách hàng tốt sẵn sàng chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay, vì thế mà, cũng giống thời kỳ phải nhũn nhặn với khách hàng huy động, hiện các ngân hàng đều nhiệt tình với khách vay. "Biết đâu, trong số khách hàng mới, có nhiều người tiềm năng mà mình không biết", lãnh đạo nói trên bày tỏ.

Cảnh ngân hàng nhã nhặn, nhiệt tình với khách đến vay hiện tại đang là bức tranh của năm 2008. Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, không ít ngân hàng cạnh tranh, giành giật khách hàng. Nhiều ngân hàng thậm chí cho vay dưới trần 21% quy định, và liên tục giảm lãi suất, dù đầu năm, xu hướng huy động vốn lãi suất cao nhất lên tới 19,2% một năm.

Nhìn lại năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế mới phục hồi, tổng tín dụng tăng 37,7%, trong khi tổng tiền gửi chỉ tăng 28,5%. Đến tháng 2/2010, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng đang dư thừa 30.000 tỷ đồng để cho vay, nhưng thực tế, cơ quan này phải bơm thêm tiền để đảm bảo khả năng cung ứng vốn. Còn năm nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong quý I, tổng huy động tăng 20,2% so với cùng kỳ 2011 trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 0,45% (quy ra số là 60 tỷ đồng) so với cùng kỳ 2011.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, biên độ lợi nhuận đầu ra và đầu vào của các ngân hàng chỉ nên ở 2%. Chẳng hạn, huy động khoảng 10%, thì cho vay ra khoảng 15%, trừ các chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro, ngân hàng nên có tối thiểu 2% lợi nhuận trước thuế. Ngân hàng hiện nay dè dặt với cho vay, theo chuyên gia này, là vì lo mất vốn quá nhiều và không có nguồn nào để bù đắp các khoản nợ xấu này.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước tuần đầu tiên thực hiện thả nổi trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cho thấy, lãi suất cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực phi sản xuất (trong đó có tiêu dùng, bất động sản) là 16,5- 20% một năm, cố định so với tuần trước đó, dù lãi huy động kỳ hạn dài tăng.
 

Tuệ Minh
(VnExpress)