Theo đánh giá của giới chuyên gia, tăng trưởng của Việt Nam sẽ nhích nhẹ trong những tháng nửa cuối năm, tuy nhiên đáy tăng trưởng phụ thuộc vào sự hiệu quả của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tháng 8 dự kiến sẽ là điểm rơi chính sách.

 


Lối thoát

TS Ngô Trí Long đánh giá, những giải pháp của Chính phủ đưa ra mới đây như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất mới chỉ là giải pháp tình thế. Cần phải có những giải pháp căn cơ thì mới giải quyết được lâu dài và tận gốc vấn đề đó là tái cơ cấu lại. Tự bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giải quyết khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải xem xét lại cơ chế phá sản - những doanh nghiệp không thể tồn tại được nữa thì cần phải cho phá sản, giải thể.

TS Nguyễn Quang A thì cho rằng, có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đó là việc đáng hoan nghênh. "Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chỉ lưu ý chạy theo tìm kiếm sự hỗ trợ ấy thì theo tôi nghĩ ,các doanh nghiệp ấy thì đằng nào cũng chết. Doanh nghiệp phải cứu mình trước hết, thay đổi chiến lược, thay đổi phương pháp kinh doanh, giảm chi phí, tìm kiếm đầu ra mới, khách hàng mới. Tự bản thân doanh nghiệp mới là cái chính chứ còn sự giúp đỡ của nhà nước là đáng quý nhưng không đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế. Vì muốn GDP tăng thì bản thân doanh nghiệp mới là người tạo ra cái đó."

Ông cũng tin rằng, với diễn biến lạm phát như hiện nay, lãi suất sẽ còn giảm. "Song với những doanh nghiệp thấy mình làm ăn không tốt, còn nợ quá hạn và kế hoạch kinh doanh không thuyết phục thì nên xác định là không tiếp cận được vốn" - ông Quang A cảnh báo. Đồng thời, về phía nhà chính sách, "khi doanh nghiệp kêu thì cũng phải xem họ kêu vì cái gì. Có những người kêu rất chính đáng nhưng cũng có những người phải xem lại chính mình xem như thế nào?", vị chuyên gia góp ý.

Còn theo như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, cơ quan điều hành sẽ phải xem lại, phải cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nợ khó đòi, giúp doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay vốn và tiếp cận được nguồn vốn. Theo đó, thay vì cho vay dựa trên tài sản thế chấp, ngân hàng nên căn cứ vào dự án và giám sát theo tiến độ dự án để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng được ưu tiên.

Trong bài báo của mình, Bloomberg dẫn lời TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với tình hình hiện tại, Chính phủ có thể sẽ phải phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn.

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán, nửa đầu năm nay, Việt Nam đã phát hành ra 79.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Việc phát hành trái phiếu đã trở nên thuận lợi hơn sau khi Standard & Poor's nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam lên hồi tháng trước.

 

Theo Dan Tri

.