Trong số này, có những dự án chậm tiến độ đã được kiểm tra, rà soát nhiều lần, nhưng sau đó, dự án vẫn không có chuyển biến gì.
UBND TP. Hà Nội vừa công bố Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc tiến hành kiểm tra 727 dự án BĐS trên địa bàn Thành phố từ ngày 10/1/2014 đến ngày 31/5/2014. Trong số này, có những dự án chậm tiến độ đã được kiểm tra, rà soát nhiều lần, nhưng sau đó, dự án vẫn không có chuyển biến gì.
|
Dự án Chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam - Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) |
Điển hình là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008, với diện tích 16,7 ha trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Sau khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, ngày 29/9/2011, UBND Thành phố đã có Văn bản số 8295/UBND-XD chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tháng 4/2012, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu kiểm tra tiến độ thực hiện dự án này (Kế hoạch số 52/KH-UBND), nhưng đến nay, dự án vẫn án binh bất động.
Việc dự án trễ tiến độ, cơ quan quản lý nhắc nhở và đề nghị xử phạt nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn “bình an vô sự” có thể tìm thấy ở nhiều dự án khác tại Hà Nội. Điển hình cho sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật về đầu tư này có thể kể đến Dự án Chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam - Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông).
Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công hoành tráng từ đầu năm 2007, nhưng đến nay, Dự án vẫn bất động. Thậm chí, qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng đã giao cho Công ty Booyoung hiện vẫn là những khu đất để cỏ mọc hoang. Tuy nhiên, trong kế hoạch kiểm tra của UBND TP. Hà Nội lần này, không có tên Booyoung Vina.
Danh sách các công ty có dự án chậm tiến độ một cách “có hệ thống” còn phải kể đến Công ty TNHH TSQ Việt Nam. Dự án “Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây” do TSQ làm chủ đầu tư tại phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội) có quy mô 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD, được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay vẫn là bãi đất hoang. Trong đợt kiểm tra, rà soát các dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài năm 2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra dự án này, nhưng đến nay, Dự án vẫn không hề nhúc nhích.
Ví dụ khác là Dự án Twin Towers số 1152 - 1154, đường Láng (quận Đống Đa), do Công ty Tân Phú Long (cổ đông chính là Tổng công ty bảo hiểm Quân đội - Mic và Công ty Handico 6) làm chủ đầu tư được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất từ ngày 4/3/2010. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, công trình này gồm tòa tháp với 2 đơn nguyên, cao 30 tầng với 4 tầng hầm, 2 tầng thương mại và 28 tầng chung cư. Chủ đầu tư cũng đã thông báo mở bán căn hộ Twin Towers, với giá 28 - 30 triệu đồng/m2 vào tháng 3/3012. Dự án được giới thiệu là sẽ hoàn thành vào quý IV/2014, nhưng nay vẫn là chỗ để xe ô tô, cỏ mọc...
Hàng loạt dự án BĐS khác cũng nằm trong danh sách kiểm tra, rà soát đợt này, như D’.San Raffles số 22 - 24 Hàng Bài, do Công ty cổ phần Thời đại mới T&T thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp công trình tại khu tập thể X1-26 Liễu Giai (quận Ba Đình) của Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU); Dự án 97-Láng Hạ (Tòa nhà Petrowaco) do Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí làm chủ đầu tư...
Câu hỏi được dư luận đặt ra là, với hơn 700 dự án “có vấn đề” trên khắp địa bàn, UBND TP. Hà Nội sẽ làm gì để buộc các chủ đầu tư thay đổi tiến độ thực hiện hay chỉ đơn giản là câu chuyện “ném đá ao bèo”?
Theo baodautu.vn