Gần một năm trở lại đây, loại hình lưu trú giá rẻ dạng nhà trọ (hostel) dần xuất hiện ở Đà Nẵng, đáp ứng được nhu cầu của khá đông những bạn trẻ trong nước và quốc tế thích đi du lịch “bụi”. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh dịch vụ giá rẻ này cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như giữ gìn môi trường du lịch của thành phố.
 
 
Tiện ích cho du khách
 
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nhìn ra dòng sông Hàn thơ mộng, mỗi ngày Barney’s Danang Backpacker Hostel (quận Sơn Trà) đón từ 18-20 lượt du khách quốc tế đến lưu trú tại đây. Chị Võ Thị Thanh Loan, chủ Barney’s Danang Backpacker Hostel cho biết, chồng chị vốn là người Italia, trước kia anh rất thích đi du lịch “bụi” và từng ở rất nhiều hostel các nước trên thế giới. Nhận thấy những người đi du lịch “bụi” rất chuộng loại hình lưu trú này do giá cả phải chăng lại có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè trên thế giới nên khi định cư ở Đà Nẵng, vợ chồng chị quyết định mở dịch vụ này.
 
Theo chị Thanh Loan, loại hình dịch vụ này thường có nhiều không gian dùng chung như phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp… nên với những du khách đi lẻ, ở ghép phòng vì vậy đòi hỏi các bạn trẻ phải có các kỹ năng hòa nhập khi sống ở môi trường tập thể dù chỉ trong ít ngày.
 
Mới đưa vào sử dụng từ tháng 10-2015, Like Backpacker Hostel ở đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê) của anh Trần Đức Thông cũng là địa chỉ uy tín được nhiều du khách tìm đến. Vào mùa cao điểm từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, hostel này chủ yếu đón khách châu Âu, còn mùa hè 70% là khách trong nước, chủ yếu là giới trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Anh Trần Đức Thông cho biết, đối tượng khách là đa quốc gia, sẽ có những sự khác biệt về văn hóa, lối sống nên vấn đề an toàn cho khách phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, yếu tố vệ sinh sạch sẽ, tiện lợi trong giao thông cũng rất được du khách quan tâm.
 
Sau mấy ngày lưu trú ở Like Backpacker Hostel, anh David, du khách người Anh nhận xét, anh đã đi nhiều nước, nhưng chỉ thích ở hostel vì giá cả phải chăng lại thuận tiện cho những người ưa dịch chuyển. Anh rất thích Đà Nẵng vì thành phố sạch hơn nhiều so với một số thành phố khác ở các nước lân cận cũng như ở Việt Nam.
 
Cần quản lý chặt chẽ
 
Theo anh Trần Đức Thông, nếu như Hội An (tỉnh Quảng Nam) có mô hình homestay rất thu hút khách thì Đà Nẵng có hostel, nếu phát triển đúng định hướng thì đây sẽ là loại hình lưu trú rất thu hút khách du lịch. Hostel lớn hơn homestay nhưng lại nhỏ và rẻ hơn khách sạn. Đà Nẵng là thành phố năng động đa phần các bạn trẻ đều thích được ở những nơi gần trung tâm, có nhiều tiện ích vui chơi giải trí như các bar, pub (quán rượu).
 
Tuy nhiên, hiện nay các hostel mọc lên khá nhiều ở Đà Nẵng nhưng lại không có đơn vị nào kiểm định chất lượng. “Mong muốn có một hiệp hội hay tổ chức nào đó về hostel để những người làm dịch vụ này có thể tập hợp lại, vừa thuận lợi trong công tác quản lý, vừa hỗ trợ nhau phát triển, chống các hình thức phá giá, gây ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh. Khi có các hiệp hội, tổ chức rồi thì sẽ có những điều khoản, quy định cụ thể về chất lượng dịch vụ, giá cả để hostel thực sự là điểm đến của những người ưa du lịch giá rẻ”, anh Thông chia sẻ.
 
Đánh giá về loại hình du lịch này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho biết, đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ có sở thích đi du lịch nhưng khả năng tài chính có hạn.
 
Định hướng của Đà Nẵng là đa dạng các loại hình sản phẩm và hạn chế tính thời vụ mùa thấp điểm, vậy nên loại hình này là rất phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay các hostel ở Đà Nẵng đang hoạt động tự phát, chưa được quy hoạch và quản lý một cách bài bản.
 
“Thành phố nên có quy hoạch các khu “phố Tây” dọc hai bờ sông Hàn và một số khu vực dọc biển Mỹ Khê, sau đó khuyến khích loại hình kinh doanh hostel phát triển. Bên cạnh đó, cần đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các hostel trong đầu tư và phục vụ khách du lịch để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ.”, ông Cao Trí Dũng đề xuất.
 
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, các hostel hiện nay có khi chỉ là hộ kinh doanh tự phát, do các địa phương quản lý. Tuy nhiên, sắp tới để đảm bảo chất lượng dịch vụ, sở sẽ đề nghị thành phố xem xét thẩm định chất lượng để phân cấp quản lý các loại hình dịch vụ cụ thể này nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.
 
Hiện Đà Nẵng có khoảng hơn 10 hostel; thường có hai loại phòng ngủ là phòng ngủ chung hoặc phòng ngủ đơn. Các phòng ngủ tập thể sẽ có các giường tầng, mỗi du khách sẽ trả tiền để thuê giường ngủ đó. Trung bình các hostel có từ 6-9 phòng, mỗi phòng có các số giường khác nhau, khách lưu trú bình quân tại các hostel từ 2-3 đêm.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.