Thời điểm sau Tết Mậu Tuất, bờ biển tại khu vực hai bên cầu cảng Bình Ba, trở thành một bãi rác thực sự. Rác trải dài cả trăm mét ngay vị trí mặt tiền của đảo, nước biển đen sóng sánh. Bị ni lông đủ màu xanh đỏ, lớp lớp, nhớp nhúa bủa vây những nhà hàng, ngập dưới chân những cầu gỗ dẫn ra các bè nổi. Rác dày đến độ sóng không cũng bất lực, không thể xô được vào bờ.

leftcenterrightdel
Rác lớp lớp dày đặc, kéo một vệt dài ngay khu vực mặt tiền của đảo Bình Ba 

Rác nổi trôi trên mặt nước, ngập dưới chân cầu cảng, vương vãi trên sườn núi, dọc những đường mòn bao quanh đảo.

leftcenterrightdel
Rác  hầu như hiện diện khắp nơi 

 

Ông Võ Ngọc Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, nói: Cam Bình có 6.000 lồng NTTS, tập trung phần lớn ở đảo Bình Ba, chủ yếu nuôi tôm hùm. Người dân có thói quen dùng túi ni lông đựng thức ăn tôm. Dù xã đã đặt hệ thống bè tập kết rác, nhưng nhiều người vẫn chưa bỏ được thói quen xả rác xuống biển. Vào mùa Nồm, tháng Ba đến tháng Tám âm lịch, là thời điểm rác trên đảo xuất hiện nhiều nhất, do rác được sóng gió đánh tấp vào. Khi đó đảo phải dùng xe múc để thu gom rác.

leftcenterrightdel
Rác trên bờ, dưới mặt nước 

 

leftcenterrightdel
Rác "bó cứng" cả bến thuyền 

“Hơn một tháng nay, xã phải huy động xe múc để múc rác chứ sức người gom không xuể. Ba mươi Tết, cả nhân dân và cán bộ tập trung lực lượng, phương tiện thu gom rác để chào đón khách du Xuân, nhưng đến mùng hai Tết, đã lại đầy rác”- ông Linh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Rác vây kín các nhà hàng nổi
leftcenterrightdel
Rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống sức khỏe người dân 

Theo ông Linh, ngay trước Tết Mậu Tuất, tại đảo Bình Ba đã hoàn thành công công trình lò đốt rác, dự định sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 3/2018. Công trình sẽ giúp việc xử lý rác được kịp thời, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trên đảo. Tuy vậy, rác thải sẽ còn là vấn đề lớn và nan giải của đảo.

leftcenterrightdel
Khối lượng rác thải là vỏ các loại đồ uống trên đảo được tính bằng đơn vị... xe tải 

“Nhiều người dân và cả du khách nhận thức, ý thức còn kém, xả rác bừa bãi và xả thẳng xuống biển. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhiều, trực tiếp, trên loa, qua các cuộc họp, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Chế tài xử lý thì chưa thực hiện được, bởi, người dân nuôi trồng thủy sản trên biển, biển lại mênh mông thế, biết ai xả, xả lúc nào mà xử lý”- Ông Linh băn khoăn.

Nguyễn Huân