(BVPL) - Đó là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 12/2016.
 
Tại Hội nghị, ông Chu Minh Tộ, Trưởng Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng trùng thẻ, BHXH Việt Nam đã ban hành các Công văn số 493/BHXH-CST ngày 30/01/2013, Công văn số 736/BHXH-CST ngày 22/02/2013, hướng dẫn, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình quản lý thu và cấp thẻ BHYT; chủ động kiểm tra và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để rà soát danh sách, dữ liệu đối tượng tham gia; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, hạn chế thẻ BHYT cấp trùng trước khi phát hành; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để có biện pháp khắc phục.
 
Trưởng Ban Sổ - Thẻ Chu Minh Tộ thông tin đến các phóng viên tại Hội nghị
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về biện pháp khắc phục thẻ trùng, Trưởng Ban cấp Sổ - Thẻ cho biết, trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình BHXH Việt Nam sẽ triển khai việc cấp số định danh cho người tham gia BHYT, quản lý dữ liệu cấp thẻ BHYT tập trung tại BHXH Việt Nam để khắc phục triệt để tình trạng cấp trùng thẻ BHYT. Đồng thời, tiếp tục có văn bản chấn chỉnh BHXH các tỉnh, thành phố, đặc biệt đối với BHXH các tỉnh có số lượng thẻ trùng lớn.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý kinh phí cấp thẻ trùng năm 2014, ông Chu Minh Tộ cho biết, Bộ Tài chính vừa có Công văn 15220/BTC-HCSN ngày 26-10-2016, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Việt Nam hướng dẫn xử lý đối với số kinh phí cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế năm 2014.
 
Theo đó, từ việc rà soát của cơ quan BHXH các địa phương và cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố đã báo cáo về Bộ Tài chính kết quả kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT các đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng, hỗ trợ tiền đóng năm 2014. Tổng số thẻ BHYT cấp trùng năm 2014 là 160.912 thẻ; tổng số tiền cấp trùng là 82,29 tỷ đồng.
 
Công văn  của Bộ Tài chính đã hướng dẫn, việc xử lý theo nguyên tắc, toàn bộ số kinh phí cấp trùng thẻ BHYT do NSNN cấp nào bảo đảm thì thu hồi nộp NSNN cấp đó. Cụ thể: Kinh phí cấp trùng thẻ cho các đối tượng được ngân sách Trung ương đóng, hỗ trợ tiền đóng (người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân lực lượng quân đội, công an, cơ yếu) thì thu hồi nộp ngân sách Trung ương. Kinh phí cấp trùng thẻ cho các đối tượng được ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ tiền đóng thì thu hồi nộp ngân sách địa phương.
 
Đối với kinh phí cấp trùng thẻ BHYT tại các địa phương được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT, Bộ Tài chính sẽ giảm trừ vào nhu cầu kinh phí mua thẻ BHYT để xác định số kinh phí ngân sách Trung ương phải bổ sung năm 2016.
 
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn BHXH Việt Nam trích 82,29 tỷ đồng từ quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT để nộp ngân sách. Trong đó, nộp ngân sách Trung ương 6,95 tỷ đồng thuộc kinh phí cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng do ngân sách Trung ương bảo đảm; BHXH Việt Nam chuyển cho BHXH các tỉnh, thành phố số tiền 75,34 tỷ đồng thuộc kinh phí cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng do ngân sách địa phương bảo đảm để cơ quan BHXH cấp tỉnh nộp trả ngân sách địa phương. Đồng thời, khi tổng hợp quyết toán năm 2016, tổng hợp số tiền 82,29 tỷ đồng cấp trùng thẻ năm 2014 vào quyết toán quỹ BHYT, chi tiết quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT.
Theo Trưởng ban Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) Chu Minh Tộ, nguyên nhân của việc cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ tiền đóng là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, vừa có thẻ thuộc nhóm người có công với cách mạng, vừa ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được mã định danh cá nhân và hệ thống cơ sở dữ liệu cấp thẻ BHYT tập trung nên việc nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan BHXH cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ là không thể tránh khỏi.
 
Trưởng Ban Sổ - Thẻ cũng cho biết, căn cứ dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng do BHXH các tỉnh, thành phố tự rà soát theo nội dung Công văn số 4346/BHXH-ST ngày 12/11/2014 của BHXH Việt Nam và Biểu mẫu chi tiết cấp trùng thẻ năm 2014 (ban hành kèm theo Công văn số 15220/BTC-HCSN ngày 26/10/2016 của Bộ Tài chính), BHXH các tỉnh, thành phố chuyển dữ liệu, danh sách thẻ trùng cho các đơn vị liên quan như: Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH, UBND quận, huyện, thị xã…, để thực hiện báo giảm danh sách người  tham gia BHYT thuộc các đối tượng do Ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ một phần mức đóng; Chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trên cơ sở danh sách các đơn vị báo giảm để điều chỉnh dữ liệu người tham gia BHYT do tỉnh, huyện quản lý. Đồng thời thực hiện thu hồi thẻ BHYT cấp trùng còn thời hạn sử dụng sau năm 2015 theo danh sách đã được xác định trùng như: thẻ đã cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi…
 
Với việc chủ động rà soát của BHXH các tỉnh, thành phố, số thẻ BHYT cấp trùng đã giảm rất nhiều qua các năm, năm 2014 giảm 70% so với năm 2013. Hơn nữa, thực hiện Luật BHYT năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015, chúng ta đã quy định cụ thể việc NSNN đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT cho các đối tượng nên số thẻ cấp trùng sẽ giảm. Cho dù, một người có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng một thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong quỹ BHYT nên không có sự thất thoát NSNN do cấp trùng thẻ.
 
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng cho biết, trong năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin hộ gia đình tham gia BHYT tập trung cả nước để cấp mã định danh cá nhân cho toàn bộ dân số. Do đó, chắc chắn từ năm 2017 trở đi, việc cấp trùng thẻ BHYT sẽ được hạn chế tối thiểu.
 
TH