Về lâu dài, bến Yên Nghĩa sẽ là bến xe chính của Hà Nội. Nhưng đó là vấn đề của tương lai, khi đường vành đai 4 và tuyến đường sắt trên cao hoàn thành. Còn hiện tại, dù bến xe có chính sách khuyến khích như chỉ thu lệ phí xe khi vào bến, khu vệ sinh, nhà chờ sạch sẽ, tiện nghi thì bến vẫn cứ rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.

 
Không thể phủ nhận, sau hàng loạt nỗ lực đưa ra giải pháp tình thế của các ngành chức năng, như đổi giờ, xây cầu vượt tạm, giao thông Hà Nội đã “dễ thở” hơn phần nào. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn tại các bến xe khách liên tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên và dường như, chưa có thuốc chữa dứt điểm. Bến xe cũng đang là tác nhân không nhỏ vào việc làm cho giao thông TP thêm hỗn loạn mỗi dịp lễ, Tết. Bức tranh giao thông đô thị của TP ngày càng  xấu đi trong mắt khách ngoại tỉnh, thậm chí cả khách nước ngoài. Hơn chục năm qua, hình ảnh của các bến xe dường như vẫn chưa thể cải thiện.
 
Mười năm nhìn lại
 
Theo thống kê từ Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, trên địa bàn Hà Nội có 41 bến xe khách, trong đó có 11 bến xe liên tỉnh và 30 bến xe nội tỉnh với diện tích khoảng 22,71ha, chiếm 29,86% đất dành cho giao thông tĩnh. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có 10 bến xe tải như Long Biên, Gia Thụy, Vĩnh Tuy, Đền Lừ, Gia Lâm (phụ cận bến xe khách Gia Lâm), Dịch Vọng, Kim Ngưu 1 và 2, Tân Ấp, Sơn Tây, Thanh Trì với tổng diện tích 5,93ha, chiếm 7,87% so với quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố.
 
Các bến xe liên tỉnh ước tính có hơn 150.000 lượt hành khách qua lại mỗi ngày. Cụ thể, như bến phía Nam, trung bình mỗi ngày có từ 700-800 lượt xe chạy, vận chuyển hàng vạn khách; bến Mỹ Đình cũng hàng nghìn lượt khách/ ngày; bến Lương Yên khoảng 300 lượt xe; bến Gia Lâm có khoảng 600 lượt xe vận chuyển từ 6.000- 6.500 lượt khách; bến Yên Nghĩa khoảng 300 lượt xe/ngày và bến Nước Ngầm khoảng 400 lượt xe/ngày…
 
Nhờ có những bến xe này, lưu lượng khách đến và đi khỏi Hà Nội đã khá thông thoáng, không còn cảnh chầu chực thức khuya dậy sớm ở bến xe để mua vé, như cách đây hơn chục năm. Chưa kể, tại các bến xe, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đã nâng cấp phương tiện thành xe khách chất lượng cao, ghế mềm, giường nằm, điều hòa, khăn lạnh, tạo cảm giác thoải mái cho khách, nên nhiều người đã chọn xe khách làm phương tiện đi lại.
 
Cảnh bắt khách dọc đường gần khu vực Bến xe phía Nam, Hà Nội.
Cảnh bắt khách dọc đường gần khu vực Bến xe phía Nam, Hà Nội.
 
Nhìn lại lịch sử hình thành các bến xe, trung bình 10 năm, Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch các bến xe một lần. Vào những năm 90 thế kỷ trước, TP có chủ trương phá bỏ bến Nứa, bến xe Kim Liên, Kim Mã để xây dựng các bến xe phía Nam và bến Gia Lâm, tiếp đó là bến Mỹ Đình. Chủ trương của Hà Nội là trong giai đoạn 2011 -2015, Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm sẽ được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Các bến xe Lương Yên, Trạm Trôi (Hoài Đức) không nằm trong quy hoạch, có vị trí không thuận lợi và hay gây ùn tắc giao thông, sẽ chuyển đổi thành điểm đỗ xe và công trình dịch vụ công cộng.
 
Bến mới “đìu hiu”, bến cũ, bến cóc vẫn quá tải
 
Do lưu lượng xe khách chạy xuyên tâm thành phố lớn, gây ách tắc nên vào tháng 10/2009, Sở GTVT đã từng ra văn bản yêu cầu Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội (quản lý các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm...) tạm thời không tiếp nhận phương tiện đăng ký mới, bổ sung trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Bến xe Mỹ Đình đi bến xe các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào. Thay vào đó, các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu đăng ký mới, bổ sung phương tiện được đề nghị đăng ký tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) với lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Quang Trung - đường 70 - quốc lộ 1... Quyết định là vậy, nhưng thực tế, các xe vẫn dồn về bến trung tâm, dẫn tới tình trạng nơi quá tải, nơi đìu hiu.
 
Trở lại với Bến xe phía Nam, từ chỗ chỉ có khoảng 300 - 400 lượt xe hoạt động mỗi ngày, đến nay, đã trở thành bến xe có số lượng đầu xe hoạt động chỉ đứng thứ 2 sau bến Mỹ Đình. Trung bình khoảng 800 lượt xe/ngày, thậm chí vào ngày lễ, Tết có thể lên tới hơn 1.000 lượt khách/ngày. Nhu cầu lớn, phương tiện hoạt động tăng, nhưng cơ sở hạ tầng hầu như không được nâng cấp, sửa chữa lớn.
 
Tương tự như Bến xe phía Nam, Bến xe Gia Lâm cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp, hoạt động lại hết sức khó khăn do nằm tại vị trí không mấy thuận lợi. Trước đây, bến này hoạt động khá sầm uất, song hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng Trung – Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, mỗi ngày bến cũng chỉ có khoảng 400 lượt xe ra vào, và có thể nhận thêm khoảng 200 lượt xe nữa. Mặc dù thừa chỗ nhưng nhiều xe khách không vào bến mà chạy thẳng qua cầu vào nội đô, gây nên cảnh ùn tắc thường xuyên.
 
Với Bến xe Mỹ Đình, dù mới xây dựng năm 2004, song ông Trung cũng phải thừa nhận bến này đã “không còn sức để gánh thêm xe” nữa. Hiện mỗi ngày, bến xe này phải đưa đón hàng nghìn lượt xe. 2 bến “xã hội hóa” còn lại là Lương Yên và Nước Ngầm cũng chỉ “đỡ” được phần nào cho giao thông Thủ đô. Bến tạm Lương Yên cũng đã có thông báo dừng hoạt động vào cuối quý III năm 2012. Bến Nước Ngầm thì cũng chỉ tải được lượng xe không đáng kể.
 
Trong khi đó Bến xe Yên Nghĩa được xây dựng trên diện tích rộng gần 7ha, cách Bến xe Hà Đông cũ khoảng 4km về phía Hòa Bình, giáp với QL6 và đường vành đai 4. Trong bến có bến động và bến tĩnh, trong đó bến tĩnh rộng hơn 14.000m2, bến động hơn 15.000m2, hệ thống nhà điều hành 4050m2 và sân đỗ xe lưu bến là 13.800m2, kết hợp với các công trình phụ trợ như nhà ăn, cây xăng, dịch vụ… Nhưng từ khi hoàn thành cách đây 3 năm, bến xe này luôn luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Tính trung bình, mỗi ngày bến cũng chỉ có chừng 300 lượt xe hoạt động, mỗi lần xuất bến xe nhiều lắm thì được chục khách, còn lại thì chừng 4-5 người.
 
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bến xe Hà Nội cho rằng, về lâu dài, bến Yên Nghĩa sẽ là bến xe chính của Hà Nội. Nhưng đó là vấn đề của tương lai, khi đường vành đai 4 và tuyến đường sắt trên cao hoàn thành. Còn hiện tại, dù bến xe có chính sách khuyến khích như chỉ thu lệ phí xe khi vào bến, khu vệ sinh, nhà chờ sạch sẽ, tiện nghi thì bến vẫn cứ rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.
 
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn đang tồn tại không ít bến xe “dù” trên đường Kim Đồng, Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ… Chính hệ thống các bến này đã đang gây lộn xộn, mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông.
 
Phó Chánh Thanh tra giao thông vận tải Hoàng Văn Mạnh cũng từng thừa nhận: Nhiều bến cóc cứ dẹp đi được một thời gian, khi vắng bóng lực lượng chức năng là lại xuất hiện. Nguyên nhân do một phần không nhỏ từ ý thức người dân
 
 
Ngọc Yến - Thanh Huyền
Theo CAND
 
.