Hãy lắng nghe nông dân
Cập nhật lúc 15:47, Thứ hai, 24/03/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Đây là một phần nội dung trong bản thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cũng là những trăn trở của người dân trong quá trình biến những nội dung này thành hiện thực.
“Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới... Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ”.
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải hiểu thấu đáo nguyên nhân trì trệ và có những giải pháp để nội dung thông điệp nói trên trở thành hiện thực với người nông dân.
Ở Việt Nam, hầu hết những nhà hoạch định chính sách đều biết rằng, hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức sản xuất, trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp và nông dân, nông thôn. Họ cũng biết vai trò “nhạc trưởng” của doanh nghiệp, do vậy đã có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và nông thôn.
Và thời gian qua, họ đã có những chính sách thúc đẩy liên kết 04 nhà mà thực tế là sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng. Họ cũng hiểu rằng, Nhà nước phải tạo ra khung pháp lý bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp theo chiến lược và quy hoạch, phải xây dựng khung pháp lý để thị trường mua bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, tạo ra những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn…
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ họ không thoát khỏi “cái tôi” trước những cám dỗ bằng vật chất và quyền lực khi thực thi nhiệm vụ. Chính vì vậy, khi các chính sách ưu đãi được đưa ra thì hoặc là họ lập ra các doanh nghiệp “sân sau” để móc túi của Nhà nước, hoặc là các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thì phải “cưa đôi” khoản “trời cho” này.
Trường hợp thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013 ở Cà Mau là một điển hình. Trong năm đầu thực hiện thí điểm bảo hiểm và công ty bảo hiểm có lãi, tất cả đều phấn khởi. Nhưng không may, năm sau tôm chết hàng loạt, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả nhiều hơn phí thu được nhiều lần. Doanh nghiệp bảo hiểm kêu than, các quy định có lợi cho doanh nghiệp ra đời, từ mức 7,42% (Quyết định số 3035/2011/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài Chính) lên mức 9,72% (Quyết định số 1042/2013/QĐ-BTC ngày 8/5/2013) và lên mức 13,73% (Quyết định số 1725/2013/QĐ-BTC ngày 23/7/2013), đồng thời mức bồi thường thiệt hại cũng được giảm từ mức 64% xuống 15% đối với tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh từ 56-58 ngày tuổi và xuống 0% đối với tôm bị dịch bệnh từ 59 ngày tuổi trở lên (trước đây là 64% và giảm xuống 16% khi tôm đạt 75 – 80 ngày).
Với việc không bồi thường thiệt hại khi tôm từ 59 ngày tuổi trở lên bị dịch bệnh, Bộ Tài chính (và trong chừng mực nào đó có cả trách nhiệm của Bộ NN&PTNT) đã đặt người nuôi tôm trước tình thế phải bán tôm bị bệnh để thu hồi vốn. Việc làm này đi ngược Luật An toàn thực phẩm và với quyết tâm hiện nay của các Bộ, đặc biệt là Bộ NN&PTNT trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn”.
Vừa qua, trong cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Cần xử phạt mạnh với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”. Vụ việc tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho nhiều hộ nông dân ở Cà Mau nêu trên đến nay đã 6 tháng nhưng nông dân vẫn chưa được giải quyết bồi thường thiệt hại. Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách phải thực sự lắng nghe nông dân.
Bài và ảnh: Xuân Hưng
.