Những nơi tập trung nhiều các dự án “treo” gây lãng phí đất phải kể đến là quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn.

Tại quận Dương Kinh, một dự án "treo" điển hình là dự án Khu vui chơi giải trí Đồ Sơn với tổng diện tích 42 ha. Mảnh đất này trước đây là đầm nuôi trồng thủy sản, sau đó, UBND thành phố giao Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm khu vui chơi giải trí từ những năm 2003. Tiếp đó, Công ty CP TM Vạn Xuân là chủ đầu tư dự án. Từ năm 2010, Công ty này xây tường bao quanh khu vực, đã tính xong phương án bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, đã gần 17 năm, dự án mới chỉ xây được hạng mục cổng ra vào, nay cả khu đất thành nơi chăn thả trâu bò của người dân.

leftcenterrightdel
 Dự án “ôm đất vàng” nay bỏ hoang làm nơi chăn thả trâu bò

Trên địa bàn quận Đồ Sơn, có gần 20 doanh nghiệp, tổ chức được giao đất và thuê đất tại các vị trí đất “vàng”, tuy nhiên từ nhiều năm nay, đa phần các doanh nghiệp này đã không thực hiện tiến độ dự án như cam kết hoặc bỏ hoang hóa.

Điển hình như dự án đầu tư xây dựng khách sạn quốc tế của Công ty Nam Cường đã được UBND thành phố cho thuê đất 30 năm với diện tích trên 25.000m2 đất. Phần thô của công trình 18 tầng đã xong, tuy nhiên, chủ đầu tư đã cho tạm dừng thi công từ nhiều năm nay, không tiến hành hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã trực tiếp chỉ đạo các ngành tổ chức kiểm đếm, lập phương án đền bù, hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất dự án Công viên Rồng Biển đã bỏ hoang trên khu đất “vàng” nhiều năm, để xây dựng Công viên Cây xanh và khôi phục việc họp chợ Tết truyền thống…

Về việc thu hồi dự án Rồng Biển, từ năm 2003, TP. Hải Phòng cho Công ty CP Du lịch Hải Long thuê khu đất này với diện tích 16.800 m² để xây dựng Công viên Rồng Biển. Tuy nhiên, Công viên chỉ được chủ đầu tư lắp đặt vài thiết bị trò chơi, do vậy, chưa đầy vài năm hoạt động đã rơi vào cảnh hoang tàn.

Trong khi Công viên Rồng Biển trong tình trạng vắng khách, giữa năm 2004, một cổ đông góp vốn đã mua lại toàn bộ cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần PG Rồng Biển. Chủ đầu tư mới đã xin đầu tư hai hạng mục nhà Bowling và khu nhà vui chơi dành cho thiếu nhi. Vậy nhưng, thực tế chẳng có khu vui chơi nào mà ngay sau đó trên khuôn viên Công viên Rồng Biển phía đường Trần Phú đã mọc lên một siêu thị điện tử lớn vào bậc nhất ở Hải Phòng lúc bấy giờ. Còn phía mặt đường Hoàng Diệu, kế bên chiếc đầu rồng khổng lồ đắp bằng xi măng là nhà hàng Vạn Tuế sang trọng án ngữ.

Trước việc sử dụng đất sai mục đích, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại công viên, trả lại đất cho thành phố. Đến lúc này, với mục đích giữ đất “vàng”, chủ dự án Công viên Rồng Biển lại “trình” ra dự án mới là xây tổ hợp Trung tâm Thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, tổ hợp Trung tâm Thương mại cũng chẳng thấy đâu mà thay vào đó là quán bia, địa điểm ăn nhậu.

Tại nhiều kỳ họp HĐND TP. Hải Phòng, các đại biểu liên tục chất vấn lãnh đạo UBND thành phố cũng như lãnh đạo các ngành liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất dự án Công viên Rồng Biển.

Thực hiện quy hoạch dải trung tâm, đến cuối năm 2017, TP. Hải Phòng mới chính thức có quyết định thu hồi đất dự án Công viên Rồng Biển để xây dựng Công viên Cây xanh và khôi phục việc họp chợ Tết truyền thống tại đây.

Hoàng Hưng