Ngoài lấy ý kiến các chuyên gia, quy hoạch về đường xá phải minh bạch rõ ràng, nói rõ lý lịch từng cây xanh...
 
Chủ trương phát triển đô thị, mở rộng đường giao thông đô thị là cần thiết để tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển đô thị phải hài hòa với môi trường thiên nhiên. Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trước đề xuất giải tỏa, chặt hạ hơn 1 nghìn cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long, Hà Nội.

 

Hàng xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Hàng xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.

 

Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Hà Nội thống nhất phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số hơn 1.300 cây. Trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển hơn 150 cây, phải giải tỏa, chặt hạ hơn 1 nghìn cây gồm xà cừ, bàng, cau vua. Việc thi công mở rộng tuyến đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long là cấp thiết, để giảm ùn tắc giao thông. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng là cần thiết, nhưng cần tính tới yếu tố phát triển hài hòa với môi trường, bảo tồn được hệ thống cây xanh vốn có.
 
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có nhiều dự án phát triển đô thị nhưng vẫn giữ được cây xanh. Vì vậy, mục tiêu mà Hà Nội nên hướng đến là phải giữ được càng nhiều cây xanh càng tốt khi phát triển đô thị: “Chuyện thiết kế tuyến đường bằng cách chặt bỏ những chướng ngại với quy hoạch là một cách làm quá dễ. Dọn sạch đi làm mới thì quá dễ, rồi lại dọn sạch đi trồng mới cây khác sẵn tiền đấy rồi cũng quá dễ. Phải xem lại thiết kế giao thông, để làm sao mà duy trì được tối đa những hàng cây đã có.
 
Trong trường hợp cần thiết phải di dời cũng di dời tối thiểu hơn chứ còn dẹp một cái hàng nghìn cây như vậy là có vấn đề. Tiết kiệm ở chỗ này phí tổn ở chỗ kia và phí tổn của việc mất cây xanh ở Hà Nội là những phí tổn khó có thể tính toán được. Doanh nghiệp chả chịu tính cái đó đâu, chỉ tính lời lãi, chặt hạ cho nhanh, thiết kế cho dễ rồi xây dựng, không tính toán đến quyền lợi của người dân gắn liền với hệ sinh thái đô thị”.
 
Giáo sư- Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia cho rằng, cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đô thị nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Cây xanh vừa là cảnh quan, vừa là hệ sinh thái, vừa là văn hóa, là nguồn gen.
 
Hiện nay, mật độ cây xanh tính bình quân trên đầu người ở Hà Nội rất thấp, nên cần hạn chế chặt hạ cây xanh khi mở đường, để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống của người dân thành phố.
 
Về lâu dài, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển đô thị với quy hoạch nguồn cây xanh hiện có, để khi xây dựng phương án mở rộng đường đều tính được những tác động tới môi trường thiên nhiên.
 
Giáo sư- Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh nói: “Trong quy hoạch về đường xá phải minh bạch rõ ràng, trong bao nhiêu cây số quy hoạch làm đường thì trong đó có những loại cây gì, cây đó bao nhiêu tuổi, đường kính bao nhiêu, xuất xứ từ bao giờ. Phải làm như thế để lên một quy hoạch trên một bản đồ. Ta biết được như thế từ đó mới tìm cách tính nếu đi đoạn này, phải thay thế bằng chừng này cây thì ảnh hưởng như thế này. Cây xanh đảm bảo cái đẹp, tăng giá trị của kiến thiết, tăng giá trị đẹp đẽ của một cảnh quan trong một đô thị”.
 
Một số ý kiến cũng cho rằng, để hướng tới mục tiêu phát triển đô thị hài hòa với môi trường thiên nhiên thì trước khi triển khai dự án, các ban, ngành chức năng nên tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và người dân trong vùng dự án.
 
Giáo sư- Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nêu ý kiến: “Tôi cho rằng bây giờ đơn giản nhất là Hà Nội đưa ra một cuộc tham khảo ý kiến hoặc cuộc thi, anh nào đưa ra được phương án giữ được được cây xanh, đồng thời mở rộng được đường thì chấp nhận. Còn nếu như tất cả các nhà khoa học, các nhà thiết kế không tìm ra được hướng giải quyết đành phải chặt cây vậy. Bây giờ tôi chưa thấy Hà Nội làm các biện pháp cần thiết, từ tham khảo ý kiến nhân dân, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để tìm ra phương án phù hợp thì không nên vội vàng duyệt phương án chặt cây”.
 
Cũng theo các nhà khoa học, trong trường hợp bắt buộc phải dịch chuyển cây xanh thì cũng phải tham vấn ý kiến của các ban, ngành chức năng, của cộng đồng để từ đó có sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương của thành phố. Bởi lẽ, việc bảo vệ môi trường thiên nhiên không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng dân cư./.
 
Theo Minh Hường/VOV - Trung tâm Tin