Đoàn kiểm tra liên ngành về PCCC tại một tòa chung cư trên địa bàn Tp Hà Nội. (Ảnh: HN) 

Theo công bố, tổng cộng toàn thành phố có 426 công trình còn tồn tại về PCCC, trong đó có 118 chung cư tái định cư, 188 chung cư thương mại; 120 nhà cao tầng loại hình khác như văn phòng, khách sạn...

Quận Hoàn Kiếm có 5 công trình; quận Hai Bà Trưng có 14 công trình, trong đó có cả Bệnh viện Thanh Nhàn, Tổng Cty xây dựng Hà Nội; Quận Ba Đình có 36 công trình trong đó đáng chú ý có hàng loạt khách sạn, đặc biệt có cả Trung tâm hội nghị quốc tế; Quận Đống Đa có 36 công trình; quận Cầu Giấy có 106 công trình; quận Bắc từ Liêm có 25 công trình; Nam Từ Liêm (34); Long Biên (14); Mê Linh (2); Tây Hồ (17); Thanh Trì (1); Hoàng Mai (31); Thanh Xuân (29); Hà Đông (38); Đan Phượng (1); Hoài Đức (2); Thạch Thất (1).

Thành phố yêu cầu, đối với các chủ đầu tư cơ sở, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng, còn các tồn tại, vi phạm về PCCC tại từng tòa nhà, công trình, phải khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm về PCCC; thời hạn hoàn thành trước ngày 30/6/2018.

Đồng thời nghiêm túc thực hiện việc thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC tại công trình, chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Đối với các giải pháp liên quan đến việc thay đổi công năng, cải tạo bố trí mặt bằng, quy mô, kiến trúc, kết cấu, phải xây dựng hồ sơ, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định.

Thành phố giao các sở, ngành, quận huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trên của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Sở Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Cảnh sát PCCC thành phố và các đơn vị liên quan xem xét thẩm định cấp phép, thẩm duyệt về PCCC đối với các cơ sở, công trình trong việc thay đổi công năng, cải tạo mặt bằng, quy mô, kiến trúc, kết cấu để đảm bảo yêu cầu về PCCC.

Cảnh sát PCCC thành phố rà soát chính xác các tồn tại, vi phạm của các cơ sở, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức, thực hiện của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Theo tiến độ kiểm tra, rà soát từng công trình, phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên đăng tải công khai đầy đủ danh tính và nội dung tồn tại vi phạm về PCCC, tiến độ khắc phục của chủ đầu tư.

Kết quả xử lý, hoàn thiện PCCC báo cáo thành phố trước ngày 10/7.

Trước đó, chiều 24/4 tại cuộc họp rút  kinh nghiệm, trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình công tác phòng cháy chữa cháy tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị thành phố Hà Nội phải có những giải pháp, chế tài trước mắt và lâu dài với các công trình vi phạm; có giải pháp tổng thể khắc phục khó khăn về nguồn vốn và xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư không chấp hành.

Theo Trung tướng Bùi Văn Thành, hiện trên địa bàn toàn thành phố có 426 chung cư còn tồn tại vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong tổng số 1.109 cơ sở công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng. Năm 2017 và quý I/2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 90 vụ cháy tại cơ sở nhà chung cư, nhà cao tầng, chợ.

Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ 71 lượt, đình chỉ 56 lượt hạng mục nhà, công trình. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Hà Nội cần chỉ rõ nguyên nhân, mức độ mất an toàn tại từng công trình để từ đó có những giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề này. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại các công trình, gắn trách nhiệm rõ ràng cho chủ đầu tư, ban quản trị cũng như chính lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở./.

Hiền Nguyễn/ĐCSVN