Hiện tại Hà Nội đang có 394 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo và 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng từ 6/2012 vẫn chưa xử lý được.

 


Thống kê của Sở Xây dựng, tính đến tháng 6, trên địa bàn thành phố còn tồn đọng 394/597 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Trong đó, quận Ba Đình có 69 trường hợp; quận Đống Đa 28 trường hợp; Hai Bà Trưng 18 trường hợp; Tây Hồ 23 trường hợp; Hà Đông 26 trường hợp; Thanh Xuân 6 trường hợp; Hoàng Mai và Cầu Giấy cùng 9 trường hợp. Bên cạnh đó, Hà Nội còn 2/527 công trình vi phạm trật tự xây dựng được UBND thành phố chỉ đạo giải quyết từ 6/2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý được. Đó là công trình 32A ngõ 34 Phương Mai, quận Đống Đa và 16B Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố, Nguyễn Thế Thảo đã có phát biểu trong cuộc họp với Sở Xây dựng về việc giải quyết dứt điểm việc xây dựng sai phép, trái phép, không phép vẫn đang tiếp diễn. “Nhà siêu mỏng, siêu méo chưa xử lý xong đã phát sinh cái mới. Ngay như ngã tư Kim Liên mới - Ô Chợ Dừa, đường chưa xong đã có nhà siêu mỏng chình ình là không thể chấp nhận được” - ông Thảo nói. Khu vực Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (thuộc Dự án Xây dựng đường vành đai I) là một điển hình về nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, đoạn đường chiều dài 547m nhưng có đến 65 công trình méo mó.

Để giải quyết thực trạng cùng nguy cơ bùng phát kiểu nhà này, nhất là ở những tuyến đường mới mở, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng, quận, huyện kiên quyết chấn chỉnh tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu xử lý gấp những công trình mất mỹ quan bằng cách dựng các tấm panô trang trí bên ngoài. Trường hợp các hộ dân tự xây nhà, vận động người dân tự dỡ bỏ phần siêu mỏng, siêu méo. Với những hộ không tự giác chấp hành sẽ có biện pháp cưỡng chế, buộc dỡ bỏ.

Theo Sở Xây dựng, kinh phí để giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trên 7 quận, huyện là 255 tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn trong bố trí vốn để thực hiện.
 

Theo Tiền phong

.